Bản tin môi trường số 12/2023

Thứ hai, 27/3/2023 | 08:56 GMT+7
Mới đây, tại Hòa Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Hòa Bình và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3), Ngày Khí tượng thế giới (23/3) và chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023.

Lễ phát động quốc gia hưởng ứng các sự kiện môi trường lớn năm 2023

Để tiếp tục hưởng ứng các hoạt động thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động chương trình hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2023 với chủ đề “Thúc đẩy sự thay đổi”; Ngày Khí tượng thế giới 2023 với chủ đề “Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau”; chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 với chủ đề “Thời khắc quan trọng cho trái đất”.

Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chia sẻ, các chủ đề nêu trên nhằm nhấn mạnh đây là thời điểm chúng ta cần thay đổi để bảo đảm các mục tiêu toàn cầu về thời tiết, khí hậu, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu; kêu gọi toàn thể cộng đồng hợp tác hành động, thể hiện vai trò và trách nhiệm trước sự tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu; tạo ra sự khác biệt bằng cách thay đổi cách thức sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hàng ngày, giảm thiểu tác động suy thoái môi trường.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai một số hoạt động trọng tâm trong thời gian tới. Bao gồm, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; luật hóa những nội dung điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông phổ biến pháp luật liên quan khí tượng thủy văn, nhất là tại các khu vực dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan; quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh lối sống xanh và thân thiện môi trường, thiên nhiên, phát triển bền vững…

Quan tâm đến vấn đề môi trường trong phát triển kinh tế doanh nghiệp

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã nêu ý kiến về các vấn đề môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế.

Đại diện các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế nêu ý kiến về các vấn đề môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong phát triển tại VBF

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, trong triển khai thực hiện các thể chế, chính sách phát triển xanh, bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp gặp thách thức không nhỏ. Do đó, để hiện thực hóa các định hướng phát triển và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đặt ra hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thực thi pháp luật về môi trường. Tiếp tục xây dựng, đa dạng hóa hơn nữa các chính sách để ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư theo hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Xây dựng các bộ tiêu chí để sàng lọc, lựa chọn, đánh giá các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường… Chú trọng theo dõi, đánh giá thực thi chính sách về bảo vệ môi trường, phát triển xanh, phát triển bền vững ở cấp địa phương.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến chính sách, quy định để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin hơn, cũng như tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh cho doanh nghiệp; xây dựng cơ chế để thúc đẩy những chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các công cụ tài chính xanh như tín chỉ carbon, trái phiếu xanh, thị trường mua bán carbon…

Bảo vệ rừng để bảo vệ sức khỏe con người

Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây đã phối hợp cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức diễn đàn Ngày Quốc tế về rừng, với chủ đề “Rừng khỏe mạnh để con người khỏe mạnh”.

Sử dụng rừng bền vững và xây dựng chuỗi giá trị xanh sẽ giúp đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong tương lai – với mức tiêu thụ toàn cầu đối với tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi từ 92 tỷ tấn (năm 2017) lên 190 tỷ tấn (năm 2060), giúp củng cố nền kinh tế một cách bền vững.

Tăng cường bảo vệ rừng và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên từ rừng

Nhận thức được tầm quan trọng của rừng, thời gian qua, cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực trên phạm vi toàn cầu với thông điệp bảo vệ rừng, bảo vệ hành tinh xanh như: Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2015; Hiệp ước Khí hậu Glasgow.... Việt Nam luôn là quốc gia tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm và đưa ra nhiều cam kết, ủng hộ mạnh mẽ đối với các sáng kiến toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó có bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam chia sẻ, chủ đề của Ngày Quốc tế về rừng năm 2023 muốn nhấn mạnh các hoạt động lâm nghiệp không bền vững dẫn đến suy thoái rừng, suy thoái môi trường, góp phần gây biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và sự xuất hiện của các loại dịch bệnh mới.

Qua đây, ông Nguyễn Song Hà góp ý, hiện có 3 con đường liên quan đến rừng và thực vật có thể hỗ trợ sức khỏe của rừng và phục hồi môi trường là: chấm dứt nạn chặt phá rừng, duy trì diện tích rừng hiện có; phục hồi đất bạc màu và phát triển nông lâm kết hợp; sử dụng rừng bền vững và xây dựng chuỗi giá trị xanh.

Khánh An