Vận dụng dự báo, cảnh báo thiên tai trong phát triển kinh tế - xã hội

Thứ năm, 23/3/2023 | 11:19 GMT+7
Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV), Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức hội thảo khoa học Dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng, thủy văn phục vụ công tác phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, làm thay đổi nhiều quy luật của tự nhiên, trầm trọng hơn các biểu hiện cực đoan của thời tiết trên phạm vi toàn cầu. Ngành KTTV thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng đang phải đứng trước những thách thức không nhỏ.

Thời gian qua, ngành KTTV đã có một số kết quả nghiên cứu gắn với công tác quan trắc, dự báo tiêu biểu là: hệ thống dự báo tổ hợp từ hạn ngắn, hạn vừa đến hạn mùa cho khu vực Việt Nam bao gồm các công nghệ dự báo mưa lớn, các công nghệ dự báo lũ, lũ quét, các sản phẩm ứng dụng mô hình dự báo sóng hiện đại; hệ thống dự báo nước dâng trong bão sử dụng mô hình tích hợp hải dương thủy triều, sóng và nước dâng bão. Những năm gần đây, tại Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện các sản phẩm nghiên cứu ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IOT), trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác quan trắc, dự báo cảnh báo thiên tai…

Dự báo, cảnh báo trước thiên tai để kịp thời ứng phó, phát triển kinh tế - xã hội

Ông Trần Hồng Thái đánh giá, các kết quả nghiên cứu đã, đang được chuyển giao và ứng dụng hiệu quả trong thực tế, góp phần không nhỏ trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong nghiên cứu, triển khai khoa học và công nghệ trong lĩnh vực KTTV và biến đổi khí hậu.

Do đó, hội thảo lần này là cơ hội tốt để các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau trao đổi về công nghệ, giải pháp tiên tiến trong dự báo, cảnh báo KTTV, biến đổi khí hậu; chỉ ra được những thành tựu cũng như khó khăn trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ này… Hội thảo được kỳ vọng tạo ra những bước đột phá trong tư duy về đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới về cảnh báo, dự báo thiên tai nói riêng và ngành KTTV nói chung, góp phần xây dựng một thế giới an toàn, thịnh vượng và bền vững cho hôm nay và mai sau.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng chia sẻ, thảo luận về mối quan hệ của dòng xiết cận nhiệt đới đối với một số đợt rét tại khu vực Bắc Bộ; phương pháp dự báo tác động bão, áp thấp nhiệt đới và lũ cho khu vực Trung Bộ; nghiên cứu xác định nguyên nhân gây triều cường cao kèm theo sóng lớn tại ven biển Tây Cà Mau; xây dựng hệ thống tự động giám sát mặt nước theo chuỗi thời gian sử dụng ảnh sentinel; ứng dụng phương pháp học máy trong dự báo sóng biển tại Việt Nam…

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thạc Cường chia sẻ, Chương trình trọng điểm cấp Bộ TNMT.06 đã và đang có đóng góp lớn trong công tác phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội. 

Một trong những đề tài thuộc chương trình là nghiên cứu đặc điểm của những cơn bão có quỹ đạo thay đổi bất thường trên khu vực biển Đông. Mục tiêu của đề tài là xác định các nguyên nhân và cơ chế tác động của hải đảo và đường bờ biển tới sự đổi hướng di chuyển và cường độ của bão, áp thấp nhiệt đới khi đi vào vùng bờ biển Việt Nam. Xây dựng được công nghệ dự báo sự đổi hướng và thay đổi cường độ của bão, áp thấp nhiệt đới khi đi vào vùng bờ biển Việt Nam; áp dụng thí điểm công nghệ dự báo sự đổi hướng di chuyển và thay đổi cường độ của bão, áp thấp nhiệt đới cho vịnh Bắc Bộ.

Theo đó, chủ nhiệm các đề tài thuộc chương trình có thể rà soát lại các nhiệm vụ, sản phẩm mình đang làm, thẳng thắn chia sẻ về những kết quả đã đạt được, những vấn đề còn tồn tại, giải pháp tăng cường phối hợp để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu tại hội thảo.

Mộc Trà