Phát biểu tham luận qua hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thừa Thiên Huế trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020 vừa diễn ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định cho biết, ngày 18/5/2020, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch số 152-KH/TU về triển khai thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo đó, trong lĩnh vực năng lượng, tỉnh Thừa Thiên Huế hướng đến mục tiêu từng bước đa dạng hóa nguồn cung năng lượng tái tạo mà tỉnh có tiềm năng, đặc biệt là các nguồn sinh khối, năng lượng mặt trời, điện khí… Đây được xem là một trong những giải pháp phát triển bền vững của tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có 13 nhà máy thủy điện được bổ sung quy hoạch với tổng công suất 451,7 MW; trong đó, 10 nhà máy thủy điện đã tham gia phát điện với điện lượng mỗi năm đóng góp cho lưới điện quốc gia trên 1 tỷ kWh.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh, một dự án điện mặt trời với công suất thiết kế 35 MW vận hành thương mại vào tháng 11/2018 (đây là dự án điện mặt trời được đưa vào vận hành đầu tiên trong cả nước). Trong năm đầu vận hành, nhà máy vượt sản lượng thiết kế đến 151,66%, cho thấy tiềm năng điện mặt trời trên địa bàn là rất lớn. Hiện nay, ngoài một dự án điện mặt trời công suất 50 MWp đang triển khai xây dựng cơ bản hoàn thành, tỉnh Thừa Thiên Huế còn 4 dự án với tổng công suất khoảng 260 MWp đang chờ bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực. Ngoài ra, trên cơ sở rà soát, quỹ đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả và diện tích các mặt hồ thủy lợi, hồ thủy điện, đầm phá chưa sử dụng trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích khoảng 2.655 ha có khả năng phát triển các dự án năng lượng mặt trời tương đương công suất tiềm năng khoảng 2.100 MWp.
Dự án Nhà máy điện mặt trời TTC Phong Điền, Thừa Thiên Huế
Hiện nay, Thừa Thiên Huế cũng đã được Bộ Công Thương cho phép bổ sung 1 nhà máy điện rác công suất 15 MW và đang nghiên cứu đề nghị bổ sung nhà máy điện sinh khối.
Về điện khí, tỉnh Thừa Thiên Huế đang đề xuất bổ sung Quy hoạch sơ đồ điện 7 dự án điện khí Chân Mây nằm trong khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Theo kết quả nghiên cứu và đánh giá của đơn vị tư vấn, dự án dự kiến được đặt ở vị trí thuận lợi về mặt hạ tầng: đặt giữa bến cảng nước sâu và các mạch đường dây 500 kV, trong tổng khoảng cách khoảng dưới 10 km. Các chuyên gia cho rằng, đây là một trong những dự án có hiệu quả kinh tế, tính khả thi rất cao khi được phép triển khai.
“Để triển khai kế hoạch phát triển năng lượng theo định hướng phát triển nêu trên, tỉnh Thừa Thiên Huế kính đề nghị Trung ương, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan ủng hộ chủ trương bổ sung dự án Điện khí Chân Mây vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo sơ đồ 7 điều chỉnh... sớm ban hành cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời cũng như có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện; đẩy nhanh thẩm định, bổ sung quy hoạch điện lực các dự án điện mặt trời, điện sinh khối. Bên cạnh đó, nghiên cứu để ban hành quy định cho phép sử dụng các diện tích đất thuộc quy hoạch khai thác khoáng sản nhưng chưa khai thác, cấp phép khai thác để đầu tư phát triển điện mặt trời, phát huy hiệu quả sử dụng đất”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định nhấn mạnh.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020, tại đầu cầu Hà Nội, đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã ký kết thoả thuận hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển dự án nhà máy điện khí tại khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô với CTCP Chân Mây LNG với tổng giá trị dự kiến của dự án khoảng 5 tỷ USD.