Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 28/2020

Thứ hai, 20/7/2020 | 09:29 GMT+7
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tổ chức Hội nghị công tác chuẩn bị vận hành các nhà máy điện mặt trời nhằm nhằm tạo cơ hội trao đổi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư điện mặt trời để góp phần đưa các nhà máy vào vận hành đúng quy định, tiến độ, an toàn và tin cậy.

Hỗ trợ công tác chuẩn bị vận hành các nhà máy điện mặt trời

Báo cáo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, cả nước hiện đã có có 109 nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành, với tổng công suất 5.053MW; 11 nhà máy điện gió, với tổng công suất 429MW. Công suất nguồn năng lượng tái tạo (NLLT) đang chiếm 9,5% tổng công suất toàn hệ thống điện. Sản lượng phát của nguồn điện NLTT trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 5.187 triệu kWh, chiếm gần 4,6% tổng sản lượng điện toàn hệ thống.

Hơn 1 năm qua, với sự nỗ lực của EVN và các đơn vị trực thuộc, nguồn NLTT đã được vận hành an toàn, tin cậy và được huy động tối đa sản lượng phát. Trong quá trình vận hành hệ thống điện – thị trường điện, các nhà máy NLTT luôn được ưu tiên huy động so với nhà máy truyền thống. Với các nhà máy điện tại khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận vào vận hành trước ngày 30/6/2019, EVN và các đơn vị thành viên đã hoàn thành nhiều công trình lưới điện truyền tải ở khu vực này, cơ bản giải tỏa toàn bộ công suất. 

EVN sẽ hỗ trợ chủ đầu tư để góp phần đưa các nhà máy điện mặt trời vào vận hành đúng quy định, tiến độ, an toàn và tin cậy

Chia sẻ tại hội nghị, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN khẳng định, các nguồn NLLT đã góp phần giảm bớt áp lực cung cấp điện của EVN, nhất là trong bối cảnh nguồn cung ứng điện gặp nhiều khó khăn như thời gian qua. Với sự nỗ lực của EVN và các đơn vị trực thuộc, tình trạng giảm phát các nhà máy điện NLTT đã được cải thiện. Các nhà máy đi vào vận hành trước ngày 30/6/2019 đã cơ bản được giải tỏa toàn bộ công suất. 

Tuy nhiên, với những nhà máy mới đưa vào vận hành sau 30/6/2019, ở một số khu vực vẫn xảy ra quá tải do việc triển khai các dự án lưới điện truyền tải mất nhiều thời gian. Đó là chưa kể, hơn 7.000MW điện gió vừa được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch. Đây là thách thức không nhỏ trong việc giải tỏa công suất nguồn NLTT. EVN sẽ báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ bổ sung vào quy hoạch các dự án lưới điện truyền tải; đồng thời đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nhanh tiến độ các dự án lưới điện đã có trong quy hoạch.

Theo ông Ngô Sơn Hải, thời gian còn lại để các nhà máy kịp đưa vào vận hành thương mại để hưởng giá FIT 2 không còn nhiều. Hiện còn khoảng 36 nhà máy chưa đóng điện và sẽ tập trung đóng điện vào thời điểm cuối năm. Để quá trình thử nghiệm, đóng điện đưa vào vận hành được thuận lợi, ông Ngô Sơn Hải đề nghị A0, Công ty Mua bán điện phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư trong quá trình triển khai các quy trình, thủ tục.

A0 cũng cần rà soát lại công tác đào tạo trưởng ca đối với các nhà máy điện gió, điện mặt trời; phối hợp với Ban Thị trường điện nghiên cứu, đề xuất Bộ Công Thương ban hành quy định về trình tự, thủ tục huy động các nhà máy điện, đảm bảo việc huy động công suất công bằng, minh bạch.

Lãnh đạo EVN cũng yêu cầu các tổng công ty điện lực, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện giải tỏa công suất, các dự án đấu nối với nhà máy NLLT…

Ảnh minh họa

Trong khi đó, các chủ đầu tư cần cung cấp thông tin thường xuyên và phối hợp với EVN trong các công tác đóng điện, thử nghiệm và vận hành nhà máy. Trưởng ca nhà máy nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh chỉ huy điều độ của điều độ viên quốc gia/điều độ viên miền, đặc biệt trong các sự kiện khởi động, ngừng giảm, sự cố. Đồng thời, các chủ đầu tư cũng cần nâng cao chất lượng công tác dự báo, công bố công suất, hạn chế tối đa các sai sót chủ quan; hoàn thiện các tồn tại kỹ thuật và hoàn thành các thử nghiệm theo yêu cầu tại quy trình thử nghiệm và giám sát thử nghiệm; có kế hoạch đầu tư và lắp đặt hệ thống dự báo công suất phát các nguồn điện mặt trời và điện gió, truyền số liệu về cấp điều độ; đảm bảo an ninh bảo mật đối với hệ thống điều khiển của nhà máy, cách ly khỏi các hệ thống mạng IT công cộng...

Tại hội nghị, EVN lắng nghe ý kiến trao đổi của các chủ đầu tư, qua đó cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với mục tiêu đưa các nhà máy vào vận hành an toàn, đúng quy định và bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống điện.

Dự án năng lượng mặt trời kết hợp mô hình nuôi trồng nấm công nghệ cao tại Bình Thuận

Mới đây, tại tỉnh Bình Thuận, Công ty CP Đầu tư Sao Đỏ Miền Nam đã tổ chức lễ động thổ - khởi công xây dựng dự án năng lượng mặt trời kết hợp mô hình nuôi trồng nấm công nghệ cao – dự án Redstar Solar Bình Thuận.

Dự án có tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng và được xây dựng tại thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận trên diện tích 13.000 m2, công suất thiết kế 2 MW (được chia thành 2 công ty con, mỗi công ty công suất dưới 1MW) và dự kiến sẽ đấu nối và hoà lưới điện quốc gia vào tháng 11/2020.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Ngô Văn Minh, Chủ tịch UBND thị trấn Lương Sơn cho biết, địa phương sẽ tạo điều kiện tốt nhất để dự án được triển khai và đi vào hoạt động thuận lợi. Bên cạnh đó, địa phương cùng các sở, ban ngành liên quan cùng phối hợp với chủ đầu tư để hoàn tất những thủ tục cần thiết đối với việc xây dựng nhà máy và đường dây tải điện để điện từ nhà máy hòa lưới điện quốc gia dự kiến vào tháng 11/2020.

Động thổ - khởi công xây dựng dự án năng lượng mặt trời kết hợp mô hình nuôi trồng nấm công nghệ cao Redstar Solar Bình Thuận

Theo ông Đinh Bảo Linh, Giám đốc phát triển dự án trực thuộc chủ đầu tư, dự án Redstar Solar Bình Thuận vui mừng vì được các sở, ban ngành địa phương hỗ trợ hết mình và cho đến thời điểm này, dự án đã hoàn thiện pháp lý, đủ điều kiện để khởi công xây dựng công trình. Chủ đầu tư sẽ cố gắng triển khai nhanh nhất có thể để đẩy nhanh tiến độ thi công và dự kiến bắt đầu khai thác vận hành vào tháng 11 năm nay.

Việc nhà máy điện mặt trời Redstar Solar Bình Thuận đi vào hoạt động, hòa vào lưới điện quốc gia sẽ tạo ra nguồn điện ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế tại địa phương. Bên cạnh đó, dự án sẽ đóng góp vào mục tiêu phát triển của tỉnh Bình Thuận là trở thành trung tâm phát triển về kinh tế - xã hội với nền công nghiệp hiện đại. Qua đó, dự án góp phần nâng cao và cải thiện đời sống, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái.

Ký kết hợp đồng EPC Nhà máy điện mặt trời Thác Mơ 50MWp

Mới đây, lễ ký kết hợp đồng EPC gói thầu thiết kế, cung cấp hàng hoá và xây dựng lắp đặt dự án Nhà máy điện mặt trời Thác Mơ 50MWp giữa Công ty CP Thuỷ điện Thác Mơ (chủ đầu tư) với nhà thầu là Liên danh Công ty CP Ứng dụng và Phát triển Công nghệ Thông tin, Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật Ứng dụng Việt Nam (gọi tắt là Liên danh AIT) đã diễn ra tại Bình Phước.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Thác Mơ do Công ty CP Thuỷ điện Thác Mơ làm chủ đầu tư có công suất 50MWp được xây dựng trên địa bàn xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập và phường Thác Mơ, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước với diện tích sử dụng đất khoảng 57 hecta. Sau khi được hoàn thành, dự kiến hàng năm, dự án sẽ bổ sung thêm 78 triệu kWh điện cho hệ thống điện quốc gia.

Ký kết hợp đồng EPC Nhà máy điện mặt trời Thác Mơ 50MWp

Hồ sơ mời thầu EPC dự án đã được phát hành rộng rãi trên mạng đấu thầu quốc gia và trang đấu thầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ ngày 21/4/2020 đến ngày 11/5/2020. Quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu từ 11/5/2020 đến ngày 15/6/2020. Quá trình đàm phán hợp đồng, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu  từ 16/6/2020 đến ngày 1/7/2020. Sau một thời gian thẩm định theo đúng các quy định đấu thầu của Nhà nước, nhà thầu được lựa chọn là Liên danh AIT. Theo hợp đồng, thời gian thực hiện gói thầu là 180 ngày, COD trước ngày 14/12/2020.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Thác Mơ 50MWp là dự án năng lượng tái tạo với quy mô lớn đầu tiên mà Công ty CP Thuỷ điện Thác Mơ triển khai cũng là một trong số các dự án nhà máy điện mặt trời đầu tiên của tỉnh Bình Phước.

PV