Công nghệ Giao thông

Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện

Thứ sáu, 10/11/2023 | 14:25 GMT+7
Ngày 10/11, báo Giao Thông phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo "Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện".

Hội thảo là cơ hội để các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương, chuyên gia trong nước và quốc tế, doanh nghiệp cùng các bên liên quan thảo luận, đưa ra những định hướng, giải pháp cụ thể thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam.

Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải nêu, theo lộ trình, đến năm 2040 sẽ dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô, mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch; đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường từ khí thải của các phương tiện giao thông đang là vấn đề cấp bách. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các dòng ô tô điện được coi là giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi quốc gia, việc áp dụng lộ trình phát triển ô tô điện sẽ khác nhau.

Với Việt Nam, việc chuyển đổi sang phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu và là mục tiêu chúng ta đang hướng đến nhằm thực hiện định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; đồng thời tạo cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển mới của thế giới.

Thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải, góp phần đạt được mục tiêu trung hòa phát thải carbon

Tương tự các nước trong khu vực ASEAN, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành một loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô điện và các chính sách khuyến khích sử dụng ô tô điện. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh của ngành giao thông vận tải, bên cạnh những cơ hội cũng còn nhiều khó khăn, thách thức như: thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc; giá thành phương tiện cao; còn thiếu các cơ chế khuyến khích tiêu dùng và sử dụng phương tiện giao thông điện; nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp về việc chuyển đổi năng lượng xanh chưa thực sự đầy đủ…

Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải, thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã và đang tích cực rà soát, tham mưu trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách về thúc đẩy chuyển đổi sử dụng xe điện.

Theo Thứ trưởng, hội thảo "Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện" là diễn đàn để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cùng trao đổi rõ hơn về các quy định, chính sách hiện có, đồng thời bàn thảo kế hoạch, định hướng quản lý, thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Phát biểu tại hội thảo, ông Patrick Harverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định, sự gia tăng nhanh và mở rộng cho các chủng loại phương tiện đặt ra nhiều thách thức quan trọng như gia tăng nhu cầu đối với các loại chất hiếm, áp lực quá tải lưới điện. Khung chính sách cần đảm bảo khuyến khích các chuyển đổi sử dụng xe điện, đồng thời thúc đẩy chia sẻ kiến thức và thúc đẩy trách nhiệm môi trường, xã hội trong khai thác nguồn vật liệu hiếm.

Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển công nghiệp sản xuất xe điện nội địa. Chính phủ vẫn cần đẩy nhanh chính sách cơ bản như phát triển hệ thống trạm sạc, thắt chặt tiêu chuẩn phát thải, cùng với quy định mục tiêu bán hàng cho một số đơn vị sản xuất xe điện với số lượng phương tiện điện nhất định. Ngoài ra, các chính sách ngắn hạn như chính sách đỗ xe, quy định về những khu vực đặc thù, có thể giúp chính phủ Việt Nam đạt vượt mức các mục tiêu của mình.

Cùng với đó, cần giảm chi phí của phương tiện điện thông qua phương thức hỗ trợ tài chính, cải thiện khả năng chi trả của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Có nhiều lựa chọn chính sách khác nhau như giảm thuế, các khoản vay lãi suất thấp và trợ giá mua hàng. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận khi miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô và xe buýt điện.

Ông Watanabe Shige, Công sứ, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, biến đổi khí hậu hiện đang là một trong những vấn đề quan trọng nhất mà cộng đồng quốc tế phải giải quyết. Ông tin rằng Chính phủ Việt Nam cũng nhận thức được tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu vì Việt Nam đang phải hứng chịu nhiều thiên tai như hạn hán, lũ lụt và các thảm họa khác là kết quả của biến đổi khí hậu hàng năm trong những năm gần đây.

Thông qua hội thảo ngày hôm nay, ông Watanabe Shige cho rằng các cơ quan tại Việt Nam sẽ xác định được những thách thức và thảo luận các chính sách cần thực hiện để thúc đẩy phát triển xe điện ở Việt Nam cũng như lắng nghe ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước về lĩnh vực này. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển xe điện và đạt được mục tiêu trung hòa phát thải carbon ở Việt Nam.

Hải Long