Công nghệ Giao thông

Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển giao thông điện

Thứ năm, 17/8/2023 | 16:00 GMT+7
Vừa qua, đoàn công tác của Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ có chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm, làm việc với Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, các trung tâm, viện nghiên cứu về chủ đề phát triển phương tiện giao thông điện và xây dựng quy chuẩn mức tiêu thụ nhiên liệu tại Trung Quốc.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Sáng kiến Giao thông tại các nước châu Á” (NDC-TIA).

Theo GIZ, Trung Quốc đã ban hành mục tiêu phát triển xe điện giai đoạn 2021 - 2030 và để hỗ trợ việc thực thi; các quy định liên quan đã được thiết lập, đặc biệt là quy hoạch hệ thống trạm sạc trên đường bộ, quy định về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trạm sạc, các yêu cầu cụ thể về vị trí đỗ xe có trạm sạc (tối thiểu 10% chỗ đỗ xe phải bố trí trạm sạc), ưu tiên hệ thống trạm sạc nhanh, công suất lớn, áp dụng kỹ thuật mới trong xây dựng trạm sạc.

Trung Quốc cũng chú trọng tới việc áp dụng số hóa trong phát triển giao thông điện như đưa ra các yêu cầu phải cung cấp thông tin trạm sạc lên hệ thống chung, quy định bắt buộc phải có ứng dụng tìm kiếm trạm sạc cho phương tiện. Các thành phố của Trung Quốc đều ưu tiên phát triển trước hệ thống hạ tầng trạm sạc, đặc biệt tại những vị trí thuận tiện, qua đó người dân cảm thấy dễ tiếp cận và thay đổi thói quen. Chính quyền cũng có những đánh giá, hình thức xét thưởng đối với các dự án đầu tư trạm sạc. Bên cạnh việc thúc đẩy chuyển đổi sang sử dụng phát triển giao thông điện, Trung Quốc đã ban hành những chính sách song hành hạn chế phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong như hạn chế lưu hành (1 ngày/tuần); áp dụng cơ chế “bốc thăm” giống như quay xổ số với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua xe mới sử dụng động cơ đốt trong.

Chuyển đổi từ phương tiện truyền thống sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường

Đoàn công tác đã có cơ hội ghé thăm một trong các trạm dừng nghỉ lớn trên đường cao tốc có bố trí hệ thống trạm sạc và trạm đổi pin hiện đại cho xe ô tô con được xây dựng, vận hành bởi Công ty đầu tư và phát triển giao thông Bắc Kinh và Công ty Năng lượng Bắc Kinh, NIO (nhà sản xuất). Điểm đặc biệt là phương tiện giao thông điện của các hãng xe khác cũng có thể sử dụng hệ thống trạm sạc tại đây.

Liên quan đến thiết lập quy chuẩn về mức tiêu thụ nhiên liệu, đoàn công tác đã có buổi gặp đại diện Trung tâm kiểm soát khí thải Trung Quốc và trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống quy chuẩn. Theo đó, trong giai đoạn đầu, quy chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu (Minimum Energy Performance Standard, MEPS) được ban hành tạo điều kiện cho các nhà sản xuất có thể dễ dàng áp dụng, đồng thời khuyến khích các nhà sản xuất nâng cao công nghệ, áp dụng kỹ thuật tiên tiến và thay đổi mô hình sản xuất. Với quy mô sản xuất phương tiện ngày càng tăng và đa dạng, quy chuẩn mức tiêu thụ trung bình của doanh nghiệp (Corporate Average Fuel Economy, CAFE) được áp dụng song song để tăng tính linh hoạt, trong đó MEPS vẫn được duy trì với mục tiêu loại bỏ các công nghệ đã quá cũ và lạc hậu.

Với sự hỗ trợ và kết nối của dự án NDC-TIA, việc gặp gỡ và trao đổi giữa hai bên đã đạt được những kết quả nhất định. Hoạt động này góp phần hỗ trợ thiết thực Bộ Giao thông vận tải Việt Nam trong quá trình xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi cũng như đề xuất và ban hành các chính sách, quy định thúc đẩy quá trình chuyển đổi sử dụng phương tiện nhiên liệu hiệu quả và năng lượng mới.

Dự án NDC-TIA là một phần của Sáng kiến Khí hậu quốc tế (IKI). IKI làm việc dưới sự lãnh đạo của Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu CHLB Đức (BMWK) và sự hợp tác chặt chẽ với bên sáng lập, Bộ Môi trường Liên bang và Văn phòng Ngoại giao Liên bang. Tại Việt Nam, tổ chức thực hiện dự án là GIZ và các tổ chức đối tác bao gồm Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Hội đồng Quốc tế về giao thông sạch (ICCT).

Lan Anh