Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, nền nông nghiệp đóng góp khoảng 12% GDP của Việt Nam, cung cấp sinh kế cho khoảng 30% lực lượng lao động. Tuy nhiên, ngành này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, điển hình như biến đổi khí hậu.
Vì vậy, nông nghiệp xanh đang nổi lên như một giải pháp tất yếu cho sự phát triển bền vững tại Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, khu vực này đang phải đối mặt với những thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu nghiêm trọng, đòi hỏi phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp.
Việt Nam có lợi thế là quốc gia nông nghiệp, có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp xanh. Sự đầu tư vào công nghệ cùng với lực lượng lao động trẻ và chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam thực hiện thành công chuyển đổi xanh trong nông nghiệp.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/9/17/lua-phat-thai-thap-3-20240917171851708.jpg)
Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp xanh
Hội thảo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp thông qua cơ chế thị trường” nhằm nhấn mạnh cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi xanh. Tại đây, các chuyên gia về kinh tế, chính sách và phát triển bền vững từ Đại học Quốc gia Australia đã chia sẻ về những cơ hội, thách thức, đề xuất để thúc đẩy sản xuất lúa gạo giảm phát thải thông qua cơ chế thị trường.
Theo chuyên gia Nguyễn Thị Hải, việc tham gia các dự án carbon đòi hỏi nông dân phải áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến hơn so với phương pháp truyền thống. Kỹ thuật canh tác tiên tiến không chỉ giúp giảm phát thải khí metan mà còn mang lại nhiều lợi ích khác như giảm lượng nước sử dụng, giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất. Ngoài ra, khi cam kết canh tác lúa giảm phát thải, nông dân còn được tiếp cận các khóa đào tạo và nguồn lực, góp phần đảm bảo tính bền vững lâu dài của đất nông nghiệp. Tuy nhiên, để khuyến khích việc giảm phát thải, các nhà sản xuất lúa cần được hỗ trợ về tài chính.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia chính sách Đỗ Nam Thắng khẳng định, việc triển khai chương trình giảm phát thải tại Việt Nam cần có nguồn tài trợ ổn định và lâu dài. Ông Đỗ Nam Thắng đề xuất giải pháp áp dụng thuế carbon trên phạm vi quốc gia. Nguồn thu từ thuế carbon có thể được sử dụng để tài trợ cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam có thể tổ chức bán đấu giá quyền phát thải, từ đó tạo ra nguồn quỹ để hỗ trợ tài chính cho các sáng kiến và dự án liên quan đến giảm phát thải.
Về cơ chế, ông Đỗ Nam Thắng đề xuất, việc triển khai chương trình giảm phát thải tại Việt Nam có thể khả thi nếu liên kết với thị trường carbon quốc gia, dự kiến được thành lập vào năm 2028.
Tại phiên tọa đàm trong khuôn khổ hội thảo, ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, các mô hình thí điểm trong khuôn khổ Đề án Phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 đã chứng minh được nhiều lợi ích, đặc biệt trong việc tăng năng suất lúa chất lượng cao.
Tuy nhiên, Nhà nước cần có cơ chế để doanh nghiệp tham gia sâu rộng hơn, liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã. Với xu hướng hiện nay, nếu thị trường chấp nhận chi phí cao hơn, lợi nhuận của nông dân vẫn có thể được đảm bảo, nhất là khi đi vào các phân khúc cao với quy chuẩn kỹ thuật cao hơn.