Theo thông tin tại tọa đàm, mô hình thí điểm giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất được triển khai trong vụ đông xuân 2023 - 2024 trên diện tích 4,2ha tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.
Mô hình được áp dụng giải pháp kết hợp quy trình canh tác lúa ướt - khô xen kẽ của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), kết hợp sử dụng chế phẩm Nano composite của Công ty CP BSB Nanotech và áp dụng quy trình báo cáo xác nhận giảm phát thải của Công ty CP Net Zero carbon.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/9/10/lua-phat-thai-thap-2-20240910164728032.png)
Mô hình trồng lúa xanh, giảm phát thải kính nhà kính
Sau hơn 3 tháng thực hiện, mô hình này đã mang lại kết quả tích cực. Năng suất trung bình đạt gần 11,7 tấn/ha, tăng hơn 0,93 tấn/ha so với mô hình đối chứng; chi phí đầu tư giảm 9,44%; lợi nhuận ròng của mô hình tăng 19,55% so với mô hình đối chứng.
Đặc biệt, mô hình còn giúp người nông dân thay đổi phương pháp canh tác truyền thống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải tạo đất trồng. Mô hình giúp giảm phát thải được gần 4 tấn/ha khí nhà kính (CO2e), giảm sử dụng nước tưới, giúp lúa sạch hơn, năng suất cao, sản xuất an toàn hơn so với phương pháp canh tác truyền thống.
Tại tọa đàm, các đại biểu chia sẻ, việc giảm mạnh phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp gắn với công nhận chứng chỉ carbon sẽ trở thành định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới. Định hướng nhằm gia tăng giá trị, phát triển ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, để giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa nước cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như chế độ tưới nước ngập – khô xen kẽ; khuyến khích hoạt động tiêu dùng xanh; các địa phương phải chuyển đổi dần sang nền nông nghiệp xanh, sản xuất lúa gạo giảm phát thải khí nhà kính; sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật…
Ông Trần Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty CP Net Zero carbon cho biết, doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng nông dân trong canh tác lúa bền vững, phát thải thấp.
Theo ông Trần Minh Tiến, hiện nay, doanh nghiệp mới ra được báo cáo giảm phát thải, tuy đây chưa phải là tín chỉ carbon nhưng doanh nghiệp vẫn thu mua. Trong vụ đông xuân 2023 – 2024, doanh nghiệp sẽ thu mua 20 USD/tấn carbon. Để tính được giá mua, doanh nghiệp dựa vào công sức của bà con nông dân là chính. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ có hợp đồng ràng buộc với từng hợp tác xã, người dân. Theo đó, nông dân phải tham gia chương trình trong ít nhất 5 năm.
Nhân dịp này, Công ty CP Net Zero carbon công bố mua gần 17 tấn khí thải CO2e của mô hình với giá 20 USD/tấn, đồng thời tặng Chứng nhận giảm phát thải cho Sở NN&PTNT Đắk Lắk. Đây là chứng nhận CO2e đầu tiên trên lúa của Việt Nam được bán thành công.