Hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững
Ngày 16/7, Diễn đàn nông nghiệp 2025 với chủ đề “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp” diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là mô hình tổ chức sản xuất theo hướng khép kín, tái sử dụng tối đa tài nguyên, giảm phát thải và tổn thất, đồng thời gia tăng giá trị từ phụ phẩm, chất thải và năng lượng tái tạo trong toàn bộ chuỗi giá trị nông sản với các đặc trưng bao gồm: tối ưu hóa tài nguyên; tái chế – tái sử dụng phụ phẩm, chất thải; liên ngành và khép kín các quy trình sản xuất (trồng trọt chăn nuôi chế biến du lịch…); giảm phát thải – tăng giá trị sinh; đổi mới sáng tạo và công nghệ làm nền tảng; chuỗi giá trị nông sản bền vững – xanh hóa và gắn với phát triển vùng, cộng đồng và thích ứng với biến đổi khí hậu...

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. (Ảnh minh họa)
Theo ông Lê Đức Thịnh, tiềm năng thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam rất lớn do nhu cầu quốc tế và trong nước ngày càng tăng với nông sản xanh – tuần hoàn – carbon thấp; cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp, hợp tác xã tiên phong.
Tuy nhiên, ông Lê Đức Thịnh cũng chỉ ra, tỷ lệ tái chế, tái sử dụng trong ngành nông nghiệp còn thấp, mới đạt dưới 35% và ở chủ yếu quy mô nhỏ, phân tán gây ra phát thải, ô nhiễm. Thiếu hệ thống quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia như nhãn mác, nhãn chứng nhận cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn và chứng nhận còn hạn chế, làm tăng rủi ro, giảm hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Bên cạnh đó, chúng ta còn thiếu chính sách tín dụng xanh, bảo hiểm rủi ro, khuyến khích đầu tư công nghệ xử lý phụ phẩm; thiếu dữ liệu, bản đồ phụ phẩm - chuỗi - phát thải, cũng như chưa có nền tảng số hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Về định hướng, ông Thịnh gợi ý hướng phát triển mô hình nông nghiệp tích hợp đa giá trị như trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản - chế biến - năng lượng tái tạo - du lịch sinh thái.
Ông cho rằng, mô hình nông nghiệp tuần hoàn phải định dạng trên khoa học và công nghệ thông qua chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; xử lý phụ phẩm, sản xuất phân hữu cơ, năng lượng sinh học, công nghệ sinh học - số hóa (chuyển đối xanh và chuyển đổi số); hình thành chuỗi giá trị khép kín theo ngành hàng và theo vùng sinh thái.
Để phát triển hơn nữa các mô hình kinh tế tuần hoàn, ông Lê Đức Thịnh khuyến nghị cần ban hành chiến lược riêng về nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và đầu tư xanh, lồng ghép vào các chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực và gắn với mục tiêu Net Zero.
Đồng thời, cần quan tâm đến xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn, sự công nhận, xác nhận nông nghiệp tuần hoàn sản phẩm trong nông nghiệp tuần hoàn. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn chịu rủi ro rất cao, nhất là về thị trường. Do đó cần có nhãn mác riêng để tạo cơ sở cho người tiêu dùng phân biệt được các sản phẩm có đóng góp bảo vệ tài nguyên môi trường, từ đó làm tăng giá trị, tạo động lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã... đầu tư vào kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển thị trường nông sản tuần hoàn, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và có khả năng cạnh tranh trong xu thế kinh tế xanh toàn cầu.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là "chìa khóa"
Trao đổi tại diễn đàn, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và yêu cầu phát triển bền vững đặt ra cao hơn, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào nông nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà đã trở thành nhu cầu thiết yếu.
Để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả và lan tỏa rộng, ông Nguyễn Trí Ngọc cho rằng cần đặt khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào vị trí trung tâm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 phê duyệt Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Đây là một chính sách kịp thời, phản ánh đúng yêu cầu của thực tiễn.

Ứng dụng khoa học, công nghệ để từng bước hình thành một nền nông nghiệp xanh, bền vững
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Trí Ngọc, vẫn còn một số khó khăn nhất định trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là ở khía cạnh chính sách. Một số quy định pháp luật liên quan hiện vẫn mang tính khái quát, cần được rà soát và điều chỉnh để phù hợp hơn với đặc thù của mô hình sản xuất tuần hoàn. Ngoài ra, cách tiếp cận trong quản lý vẫn chủ yếu dựa trên tư duy sản xuất tuyến tính, trong khi các mô hình mới lại đòi hỏi sự linh hoạt và tính mở cao hơn. Những khoảng trống này phần nào ảnh hưởng đến khả năng thử nghiệm, triển khai các giải pháp đổi mới sáng tạo trong thực tiễn.
Ông cho rằng để xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho kinh tế tuần hoàn, trước hết phải xuất phát từ thực tiễn sản xuất. Muốn ra được tiêu chí, tiêu chuẩn hay quy chuẩn thì phải có mô hình thực tế. Nhưng hiện nay nhiều mô hình mới chỉ đang làm dở dang, chưa đủ điều kiện để xây dựng tiêu chuẩn.
Trên cơ sở đó, ông đề xuất cho phép địa phương được tiếp cận khoa học công nghệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện xây dựng mô hình thử nghiệm. Thông qua các mô hình này, địa phương có thể đề xuất và hoàn thiện bộ tiêu chí kỹ thuật, từ đó làm cơ sở cho việc nhân rộng và chuẩn hóa sau này.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trí Ngọc cũng nhấn mạnh khó khăn về tài chính. Phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ nông dân. Việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là tài chính xanh là thách thức rất lớn. Trong khi đó, đầu tư cho sản xuất tuần hoàn bao gồm cả xử lý phụ phẩm, tái chế, phát triển sản phẩm sinh học lại đòi hỏi nguồn lực đáng kể và dài hạn. Vì vậy, theo ông, rất cần có các chính sách tín dụng đặc thù để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này nếu muốn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn một cách thực chất.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, việc thúc đẩy mô hình tuần hoàn cần được xem là một quá trình chuyển đổi tư duy lâu dài, trong đó chính sách, công nghệ và đổi mới sáng tạo chỉ có thể phát huy nếu gắn chặt với thực tiễn đời sống sản xuất. Từ đó, từng bước hình thành một nền nông nghiệp xanh, bền vững và có năng lực cạnh tranh cao hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.