Nông nghiệp sạch

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn

Thứ sáu, 19/7/2024 | 17:10 GMT+7
Ngày 19/7, tại Đắk Lắk, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Đại học Đông Á tổ chức hội thảo khoa học "Phát triển nông nghiệp tuần hoàn: Kinh nghiệm trong nước và quốc tế".

Nông nghiệp tuần hoàn đang là xu hướng được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn phát triển để thích ứng với biến đổi khí hậu, giải quyết ô nhiễm môi trường, cạn kiệt, lãng phí tài nguyên và hướng đến phát triển bền vững. Nông nghiệp tuần hoàn được hiểu là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người. Trọng tâm ưu tiên của chiến lược phát triển nông nghiệp tuần hoàn được dựa trên sinh khối, phân bón hữu cơ sản xuất từ chất thải nông nghiệp, tuần hoàn nước và sử dụng hiệu quả nguồn nước, ngăn chặn chất thải thực phẩm.

Tại Việt Nam, nông nghiệp tuần hoàn được xác định là một trong những ưu tiên trong phát triển nông nghiệp bền vững, phục vụ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Việt Nam đã xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp, hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Các địa phương trong cả nước cũng đang nỗ lực hưởng ứng chiến lược này với các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đa dạng, phong phú về hình thức, quy mô và hiệu quả sản xuất.

Áp dụng các giải pháp để thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn

Tại hội thảo, PGS.TS Trần Thị Lan Hương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết, thông qua các trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thực trạng phát triển nông nghiệp tuần hoàn của các chuyên gia, nhà quản lý, hội thảo góp phần nhận diện những điều kiện, khả năng và thực trạng phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở tỉnh Đắk Lắk, tìm hiểu một số mô hình nông nghiệp tuần hoàn đang triển khai trên địa bàn tỉnh, từ đó tìm giải pháp hoàn thiện các mô hình, khuyến nghị chính sách phát triển kinh tế bền vững theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu bệnh hại thực vật Việt Nam Nguyễn Thơ, hiện có nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn đang triển khai hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam như: ứng dụng phân bón hữu cơ từ phụ phẩm rơm rạ, phân động vật, phụ phẩm loại thải từ trồng trọt. Mô hình tiết chế hóa hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc thú ý, thuốc kích thích tăng trưởng… bằng các kỹ thuật bao trái, tìm giống kháng sâu bọ, sử dụng phân vi sinh. Mô hình kết hợp trồng trọt - chăn nuôi, thủy sản; mô hình lúa - tôm, lúa - cá, mô hình nông - lâm kết hợp, mô hình vườn - rừng, mô hình vườn – ao - chuồng - rừng… Nhiều mô hình đã mang lại nhiều giá trị cho sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm khí thải, giảm phá rừng, bảo đảm hệ sinh thái nông nghiệp và cải thiện chất lượng tài nguyên đất, nước.

Tại tỉnh Đắk Lắk cũng có nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng tuần hoàn mang lại hiệu quả kinh tế cao như: sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong trồng dưa lưới Nhật Bản, nấm Linh Chi, hoa lan, ớt chuông, trồng ca cao xen chuối Nam Mỹ; mô hình tiết kiệm tưới; công nghệ nhân giống; mô hình sản xuất theo chứng nhận cà phê bền vững; mô hình sản xuất có giấy chứng nhận VietGAP… Tuy nhiên, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đang ứng dụng tại Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng còn nhiều vướng mắc, khó khăn.

Vì vậy, để phát triển hiệu quả nền nông nghiệp tuần hoàn, cải thiện và nâng cao đời sống khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, các chuyên gia tại hội thảo kiến nghị, tỉnh Đắk Lắk cần hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, phát triển nông thôn. Nghiên cứu phát triển và làm chủ các công nghệ tái chế, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp.

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động nghiên cứu, triển khai công nghệ xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp, đầu tư nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp. Thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, tổ chức, từng hộ nông dân vào chuỗi giá trị nông sản tuần hoàn về dinh dưỡng, tuần hoàn nước, tuần hoàn năng lượng, tuần hoàn phụ phẩm; mô hình tăng cường sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, năng lượng.

Huy động, xúc tiến những dự án đầu tư nước ngoài đáp ứng tiêu chí nông nghiệp tuần hoàn, trong đó chú trọng dự án có tính chất liên lĩnh vực, liên kết vùng gắn với giảm phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu. Phối hợp với nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế hỗ trợ địa phương trong việc tích hợp nội dung phát triển nông nghiệp tuần hoàn trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh Tâm (T/H)