Tăng đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường, thường liên quan đến các bệnh như tiểu đường.
Khi bị tăng đường huyết, việc kiểm soát lượng đường trong máu thông qua chế độ ăn uống là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số loại thức uống có thể tác động mạnh mẽ đến đường huyết, người bị tăng đường huyết nên tránh sử dụng.
Nước ngọt có ga và nước trái cây đóng hộp
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/10/15/trai-cay-nuoc-20241015111927087.jpg)
Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA), nước ngọt có ga và nước trái cây đóng hộp là những loại đồ uống cần tránh sử dụng đối với người bị bệnh tiểu đường và hạn chế tiêu thụ với người bình thường.
Những loại nước ngọt này chứa nhiều đường tinh luyện, dễ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của đường huyết. Một lon nước ngọt có thể chứa đến 39g đường, vượt xa lượng đường khuyến nghị hàng ngày cho người bị tiểu đường.
Tương tự, các loại nước trái cây đóng hộp thường có thêm đường và đã bị mất đi các chất xơ tự nhiên của trái cây trong quá trình chế biến, từ đó làm giảm khả năng kiểm soát đường huyết trong cơ thể. ADA khuyến nghị, người bệnh tiểu đường nên thay thế bằng nước lọc hoặc trà thảo mộc không đường.
Nước uống tăng lực
Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra rằng, nước tăng lực chứa rất nhiều đường. Người bị tiểu đường hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh nên hạn chế hoặc tránh hoàn toàn những loại thức uống này. Thay vào đó, người có chỉ số đường huyết cao có thể dùng nước khoáng hoặc nước điện giải không đường để duy trì năng lượng mà không ảnh hưởng đến đường huyết.
Cà phê có đường và kem
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/10/15/ca-phe-sua-20241015111926657.jpg)
Cà phê nguyên chất không phải là vấn đề lớn đối với người mắc bệnh tiểu đường, thậm chí nó còn đem lại một số lợi ích nhất định nhờ vào chất chống oxy hóa tự nhiên. Tuy nhiên, khi thêm vào đường, kem hoặc các hương vị nhân tạo khác, cà phê có thể trở thành thức uống không lành mạnh. Điển hình như một cốc cà phê mocha có thể chứa tới 60g đường.
Theo đó, Tổ chức Y tế Anh (NHS) khuyến cáo, người bị tiểu đường nên tiêu thụ cà phê không đường hoặc sử dụng các chất làm ngọt thay thế có chỉ số đường huyết thấp để tránh làm tăng lượng đường trong máu đột ngột.
Rượu và đồ uống có cồn
Rượu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đường huyết theo hai cách. Đầu tiên, một số loại đồ uống có cồn như cocktail và bia chứa nhiều carbohydrate có thể làm tăng đường huyết nhanh chóng. Thứ hai, rượu có thể ức chế chức năng gan, làm giảm khả năng điều chỉnh đường huyết của cơ thể.
Vì vậy, WHO khuyến cáo người bị tăng đường huyết nên hạn chế tiêu thụ rượu, đặc biệt là các loại đồ uống có hàm lượng đường cao. Người bệnh nên lựa chọn những thức uống lành mạnh hơn như nước lọc, trà thảo mộc không đường hoặc cà phê không đường.