Diễn đàn là sự kiện thường niên của Bộ NN&PTNT tại khu vực ĐBSCL với quy mô ngày càng được mở rộng, chất lượng sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng mẫu mã, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng. Cụ thể, năm nay, sự kiện quy tụ 320 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của các hợp tác xã, làng nghề, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến từ vùng ĐBSCL và nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Thông qua diễn đàn, Bộ NN&PTNT kỳ vọng có thể đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá tiềm năng, cơ hội xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, không chỉ của riêng ĐBSCL mà còn giữa các vùng, miền trên cả nước.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/9/ket-noi-ocop-20240930155600861.png)
Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long
Trong khuôn khổ diễn đàn còn có các hoạt động như: triển lãm sản phẩm OCOP đến từ khắp các vùng trên cả nước, mang đến cơ hội khám phá, kết nối với nhiều sản phẩm nông sản chất lượng. Hội thi “Sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL năm 2024” nhằm quảng bá hình ảnh ấn tượng, đặc trưng về sản phẩm OCOP của các tỉnh vùng ĐBSCL. Các hội nghị, hội thảo, ký kết biên bản hợp tác nhằm thúc đẩy kết nối giao thương, mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại sự kiện, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Ngô Trường Sơn cho biết, ĐBSCL có gần 3.000 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Khu vực này có lợi thế phát triển sản phẩm OCOP đặc sắc, mang sắc thái của vùng nhờ nguồn nguyên liệu tập trung về thủy sản, lúa gạo, trái cây phong phú. Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL năm 2024 là sự kiện lớn của vùng, có ý nghĩa quan trọng gắn với mục tiêu hình thành không gian kết nối, giao lưu, chia sẻ, hợp tác trong sản xuất, quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP của vùng ĐBSCL. Đồng thời là không gian để người tiêu dùng, doanh nghiệp phân phối có thể tiếp cận, trải nghiệm, giao thương sản phẩm OCOP.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Giang Thanh Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, Kiên Giang có dân số khoảng 1,75 triệu người, là tỉnh có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế biển, bên cạnh du lịch là thế mạnh thì nông – lâm – thủy sản luôn là trụ đỡ của nền kinh tế địa phương.
Về kết quả thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ông Giang Thanh Khoa cho biết, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 110/116 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 7/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt gần 58 triệu đồng/người.
Tính riêng chương trình OCOP, toàn tỉnh hiện có 269 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của hơn 138 chủ thể. Công tác xúc tiến thương mại sản phẩm được tỉnh đẩy mạnh thực hiện, nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh đã được đưa vào hệ thống siêu thị. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn thành lập nhiều trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL năm 2024 được tổ chức tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang từ ngày 29/9 đến ngày 3/10. Diễn đàn năm 2025 sẽ do UBND tỉnh An Giang chủ trì đăng cai tổ chức.