Văn hóa, du lịch

Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế

Thứ ba, 14/11/2023 | 10:35 GMT+7
Nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch, bảo tồn, quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, kinh thành Huế, ngày 13/11, đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tại Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế  Nguyễn Văn Phương cho biết, hiện nay, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hướng tới mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, nhất là đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh...

Theo đánh giá của UNESCO, công tác bảo tồn di sản Cố đô Huế hiện đang ở giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-  xã hội của tỉnh và khu vực, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.

Ông Nguyễn Văn Phương thông tin thêm, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện các nguồn đầu tư về văn hóa, di tích theo cơ chế của Quốc hội, hiện đang giải phóng vành đai kinh thành Huế. Do đó, đề nghị cần có thêm danh mục duy tu, bảo tồn hệ thống kinh thành Huế; xây dựng một bảo tàng mới tại khu vực nội thành.

Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế

Trong buổi làm việc, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, trung tâm đã và đang trùng tu hàng trăm công trình di tích thời gian qua; phục hồi được nhiều bản nhã nhạc cung đình; tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế và trong nước. Trung tâm cũng đã đẩy mạnh giao lưu văn hóa; lưu giữ nhiều tư liệu quan trọng; nghiên cứu khoa học gắn với công tác trùng tu, sưu tầm; xây dựng quản lý văn hóa trùng tu bằng công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tập trung triển khai nhiều thủ tục để phê duyệt giai đoạn 2 dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế; đã có Tờ trình gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thẩm tra đề xuất điều chỉnh, bổ sung, mở rộng phạm vi áp dụng khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện dự án.

Sau khi lắng nghe các báo cáo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao những nỗ lực, cách làm hay, sáng tạo, một số bài học kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử của di tích kinh thành Huế. Nổi bật là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân di dời, giải phóng mặt bằng.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Huế đã gìn giữ hài hòa giữa phát triển kinh tế - văn hóa với nhiều cách làm hay, nhiều mô hình hiệu quả, nên tiếp tục phát huy hơn nữa trong thời gian tới; thực hiện hiệu quả các chiến lược chung, các nghị quyết về văn hóa, chương trình chấn hưng văn hóa, quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy văn hóa… với mục tiêu sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cần lưu ý công tác bảo tồn văn hóa phải kiên định, kiên trì và bền bỉ, làm tới đâu nghiên cứu sâu tới đó; tiếp tục đưa hình ảnh văn hóa Huế ra bên ngoài cùng với việc đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế cần tiếp tục tuyên truyền quảng bá những giá trị lịch sử của di tích, quảng bá bảo tồn các di tích, giá trị ẩm thực, văn hóa con người Huế, việc ứng xử của người dân với lịch sử. Việc bảo tồn giá trị di sản cần đồng bộ hơn; phải rà soát các nội dung cần tập trung quản lý, đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng và phục hồi văn hóa; kiên quyết chống các biểu hiện, hành vi xuyên tạc lịch sử của thế lực thù địch.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phải hài hòa, chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - văn hóa, lấy văn hóa là điểm sáng để phát triển; chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa; tạo sự đồng tình ủng hộ của người dân, sự đồng hành của chính quyền trong lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.

Gia Linh (T/H)