Tỉnh Bình Định tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học

Thứ hai, 14/8/2023 | 15:10 GMT+7
Bình Định thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học giai đoạn 2023 - 2025, 2026 - 2030 trên địa bàn.

Theo Kế hoạch số 141/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 1623/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Định hướng đến mục tiêu thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn hệ sinh thái, hệ động vật, thực vật, nguồn gene...

Hoàn thiện các quy định và hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học; đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả và phù hợp tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội, hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học. Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm huy động mọi nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.

Phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đa dạng sinh học

Về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thực hiện tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học, Kế hoạch nêu rõ, tỉnh Bình Định sẽ nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học; hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học; tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học; mở rộng hợp tác trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.

Theo đó, tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn 2023 – 2025 có trách nhiệm chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hướng dẫn về danh mục, chế độ quản lý các loài hoang dã theo các cấp độ bảo vệ, quản lý; ban hành văn bản hướng dẫn việc xác định về mùa sinh sản, mùa di cư của các loài động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm; thực hiện điều tra định kỳ, công bố, cập nhật danh mục các loài ngoại lai xâm hại và những quy định về quản lý loài ngoại lai xâm hại để làm căn cứ xử lý hành vi vi phạm.

Tiếp nhận thông tin, dữ liệu báo cáo về tình hình quản lý đa dạng sinh học, các hành vi vi phạm về đa dạng sinh học từ các sở, ngành, địa phương để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường; kết nối thông tin, dữ liệu vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học.

Hướng dẫn, tổ chức thực hiện xây dựng năng lực và nội dung truyền thông về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và các chính sách, pháp luật, giải pháp về bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong giai đoạn 2026 – 2030, Sở cần hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài chim hoang dã, di cư, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.

Gia Linh