Tiết kiệm điện năng

Trao giải về khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng

Thứ bảy, 26/4/2025 | 16:07 GMT+7
Ngày 25/4, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) phối hợp với Touchstone Partners tổ chức vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng.

Sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng” (AIS4EE) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ nhằm thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo và tăng cường thu hút đầu tư, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Đây một trong những giải pháp có đóng góp quan trọng để hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Ban tổ chức trao chứng nhận cho các doanh nghiệp tham gia vòng chung kết cuộc thi

Phát biểu tại sự kiện, bà Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công – chủ dự án AIS4EE cho biết: Tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ưu tiên, tập trung vào ba lĩnh vực tiêu thụ năng lượng chủ yếu gồm công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải là một trong những nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP3). Trong đó, Chương trình VNEEP3 đặt mục tiêu giảm từ 8 – 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc đến năm 2030.

Đồng hành cùng nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, trong khuôn khổ chương trình Chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam – EU (SETP), Liên minh châu Âu đã tài trợ cho Bộ Công Thương triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật “Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng” (AIS4EE), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) là đơn vị trực tiếp thực hiện dự án.

Trong khuôn khổ dự án, Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng chính thức phát động từ tháng 8 năm 2024 với sự đồng hành chuyên môn của Quỹ đầu tư Touchstone Partners. Chương trình đã thu hút hơn 140 hồ sơ đăng ký đến từ hơn 20 quốc gia. Trong đó, 83 dự án đề xuất đến từ các doanh nghiệp khởi nghiệp và 65 ý tưởng từ các nhóm sinh viên, học sinh. Trên cơ sở đó, 13 doanh nghiệp khởi nghiệp và 11 nhóm sinh viên, học sinh được lựa chọn tham gia đã hoàn thành chương trình tăng tốc kéo dài 9 tuần. Các đội thi được hỗ trợ toàn diện, bao gồm cố vấn chuyên môn, tư vấn hoàn thiện dự án, mô hình kinh doanh, đồng thời tham gia các hoạt động kết nối đầu tư trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, chương trình hỗ trợ 13 doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia chuyến đi gọi vốn tại Singapore và 11 nhóm sinh viên, học sinh được tham quan tìm hiểu hệ sinh thái khởi nghiệp tại TPHCM nhằm tạo điều kiện kết nối, làm việc trực tiếp với các chuyên gia đầu ngành để nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cũng như mở rộng cơ hội thu hút đầu tư. Sau khi tham dự chương trình tăng tốc, các đội thi đã hoàn thiện dự án, kế hoạch phát triển, chiến lược gọi vốn và mô hình kinh doanh để đem đến sự kiện Demo Day - chung kết cuộc thi tại TPHCM.

Ban tổ chức trao giải cho các dự án

Vòng chung kết cuộc thi là dấu mốc ghi nhận và khẳng định kết quả của chương trình tăng tốc của dự án, đồng thời đánh dấu bước trưởng thành của các đội thi trong việc phát triển những dự án, giải pháp mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng tại Việt Nam.

Tại vòng chung kết, các đội thi đã trình bày những dự án khởi nghiệp và giải pháp trước hội đồng ban giám khảo, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Ban tổ chức lựa chọn 3 đội thi xuất sắc nhất ở mỗi bảng thi để trao giải thưởng. Tổng giá trị giải thưởng lên đến 45.000 USD, trong đó 35.000 USD dành cho 3 doanh nghiệp xuất sắc nhất và 10.000 USD dành cho 3 nhóm sinh viên, học sinh tiêu biểu nhất.

Lan Anh