Nông nghiệp sạch

Triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao cho nông dân Quảng Trị

Thứ tư, 7/9/2022 | 15:07 GMT+7
Tỉnh Quảng Trị đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ mô hình kinh tế nông nghiệp chất lượng cao, thân thiện với môi trường cho người dân khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị là đơn vị đi đầu trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Một trong những cách làm ưu tiên là thực hiện mô hình trên nền tảng lựa chọn những cây, con giống bản địa, có sức chống chịu với biến đổi khí hậu, cho thành phẩm chất lượng tốt.

Cụ thể, nhằm chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà thịt thả vườn theo hướng an toàn sinh học, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện mô hình chăn nuôi gà Ri bản địa theo hướng an toàn sinh học trên đệm lót sinh học. Mô hình triển khai tại xã A Ngo, huyện Đakrông với quy mô 500 con. Đây là xã khu vực biên giới nên khi tham gia mô hình các hộ dân được hỗ trợ 100% kinh phí mua con giống; vật tư thiết bị, máy ấp trứng; chế phẩm vi sinh và các nguyên liệu khác.

Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp chất lượng cao

Để triển khai theo đúng tiến độ, cán bộ kỹ thuật đã chuyển giao kỹ thuật nuôi gà bản địa cho các hộ dân theo đúng quy trình mà Trung tâm đề ra. Bao gồm: hướng dẫn cách chăm sóc gà theo từng giai đoạn, công tác phòng và điều trị một số bệnh thường gặp ở gà bản địa.

Việc triển khai mô hình đã giúp các hộ dân quản lý tốt dịch bệnh, sử dụng đệm lót sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Qua đó, giúp các hộ làm quen với phương thức chăn nuôi mới, từng bước hình thành và xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng cho vùng...

Bên cạnh việc chuyển giao kỹ thuật nuôi gà bản địa, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị còn xây dựng các mô hình mới cho đối tượng cây trồng, như nghiên cứu hoàn thiện quy trình thâm canh chuối tiêu hồng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Hồ Văn Lập, Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo, huyện Đakrông cho biết, UBND xã A Ngo đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện mô hình. Trong quá trình triển khai, các thành viên trong Ban chỉ đạo đã rất tích cực, tạo điều kiện cho hộ dân để thực hiện mô hình có hiệu quả, trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật.

Nhờ đó, từng bước xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu chuối trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung. Qua kiểm tra, việc thực hiện đề tài đạt đúng tiến độ, bước đầu nhận thấy chuối tiêu hồng tương đối phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng miền núi phía Tây Quảng Trị.

Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho biết, qua đánh giá, chuối trong mô hình nghiên cứu của Tung tâm sinh trưởng phát triển tốt, các chỉ tiêu theo dõi về mật độ và phân bón đều đạt yêu cầu đề ra. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu phát triển, chú ý khâu phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, tuyển chọn công thức mật độ và phân bón tối ưu nhất để có hướng phát triển xa hơn cho người nông dân.

Thanh Bảo (T/H)