Nông nghiệp sạch

Sóc Trăng đầu tư phát triển thuỷ sản bền vững

Thứ hai, 5/9/2022 | 15:35 GMT+7
Mới đây, HĐND tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã thông qua dự án phát triển thủy sản bền vững với vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án “Phát triển thủy sản bền vững tỉnh Sóc Trăng” có tổng vốn đầu tư xấp xỉ 43 triệu USD, tương đương gần 1.000 tỷ đồng. Dự án nhằm tăng cường quản lý ngành thủy sản và gia tăng giá trị sản phẩm thông qua nâng cấp cơ sở hạ tầng thông minh.

Dự án được kỳ vọng sẽ ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm hỗ trợ sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng trong quản trị thủy sản, giảm thiểu tác động, thích ứng với biến đổi khí hậu, giám sát, truy xuất nguồn gốc thủy sản, thúc đẩy các phương pháp sản xuất, nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường và gia tăng giá trị các sản phẩm thủy sản…

Ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản bền vững tại Sóc Trăng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng được giao nhiệm vụ chủ đầu tư và có trách nhiệm thành lập Ban quản lý dự án. Địa điểm thực hiện dự án gồm 4 địa phương: thị xã Vĩnh Châu, huyện Cù Lao Dung, huyện Mỹ Xuyên và huyện Trần Đề. Thời gian thực hiện trong 4 năm, từ quý II/2023 đến quý II/2027.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, đối với lĩnh vực khai thác thủy sản, dự án tập trung xây dựng, vận hành đầy đủ hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, nâng cấp các bến, cảng cá đảm bảo an toàn vệ sinh, nâng cấp các khu tránh bão đảm bảo an toàn tàu thuyền. Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, dự án sẽ góp phần tăng diện tích nuôi tôm áp dụng công nghệ tiên tiến…

Trong năm 2022, toàn tỉnh Sóc Trăng phấn đấu nuôi tôm nước lợ khoảng 51.000ha (tôm sú 13.000ha, tôm thẻ chân trắng 38.000ha). Sản lượng tôm nước lợ đạt khoảng 196.000 tấn (tôm sú 25.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 171.000 tấn). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt trên 1 tỷ USD.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, để đạt được các mục tiêu trên, địa phương sẽ tập trung những hộ nuôi tôm nhỏ lẻ với nhau thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, hợp tác thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn liên kết với các doanh nghiệp để cung ứng vật tư đầu vào gắn với thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đặc biệt chú trọng công tác phối hợp giữa các bên: nhà nước, người sản xuất, doanh nghiệp, hiệp hội.

Đồng thời, tiếp tục hướng tới việc sản xuất an toàn và trách nhiệm theo các quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC… để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ.

Nhân rộng mô hình nuôi có hiệu quả như: mô hình nuôi tôm áp dụng quy trình tuần hoàn khép kín, nuôi tôm kết hợp cá rô phi, nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn... để người dân ứng dụng vào sản xuất.

Tiếp tục hỗ trợ xây dựng các mô hình nuôi các giống mới có giá trị kinh tế, nuôi ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm giá thành sản xuất để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Khả Như