Triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia

Thứ hai, 20/5/2024 | 11:41 GMT+7
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện và kế thừa Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch cũng bám sát theo nhu cầu thực tiễn nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những mặt còn tồn tại, bất cập của mạng lưới trạm khí tượng thủy văn (KTTV) trong giai đoạn vừa qua.

Các nội dung của Quy hoạch dựa trên cơ sở khoa học, có tính động và mở, có tư duy đổi mới, sáng tạo, tận dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, tự động hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, lâu dài. Việc xây dựng Quy hoạch cũng gắn liền với yêu cầu nâng cao độ chính xác, tính kịp thời và độ tin cậy của công tác dự báo, cảnh báo KTTV, giám sát biến đổi khí hậu phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đưa Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia vào thực tiễn

Ông La Đức Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn đánh giá, Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã có những điểm mới mang tính đột phá so với giai đoạn trước, nhằm phù hợp với điều kiện tình hình thực tế và đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Trong đó, nổi bật là việc quy hoạch mạng lưới trạm theo yếu tố quan trắc, hướng tới mô hình mạng lưới trạm có mật độ quan trắc hợp lý theo định hướng công nghệ quan trắc tiên tiến, hiện đại, tự động hóa cao như mô hình các nước phát triển trên thế giới. Điều này nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về cung cấp thông tin dữ liệu KTTV phục vụ nhu cầu dự báo, cảnh báo và phát triển kinh tế - xã hội đặt ra qua các giai đoạn phát triển.

Quy hoạch còn ứng dụng các kết quả nghiên cứu đã được công bố, các khuyến cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) về mật độ trạm; kết quả nghiên cứu mô hình mạng lưới trạm tiên tiến trên thế giới và điều kiện tình hình thực tiễn để tính toán xác định mật độ và vị trí đặt trạm trong quy hoạch đảm bảo tính khoa học, tiết kiệm và hiệu quả.

Tại hội nghị, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Điện Biên, Hải Phòng, Quảng Nam, Cà Mau đã chia sẻ tham luận xung quanh nội dung phát triển mạng lưới quan trắc trên địa bàn. Trong đó nhấn mạnh việc tăng dày mật độ các trạm quan trắc, đặc biệt là trạm quan trắc tự động, sẽ là cơ sở để địa phương nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, triển khai các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Để triển khai Quy hoạch đạt hiệu quả cao nhất, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Bên cạnh đó, để đẩy nhanh quá trình tự động hóa, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KTTV tiếp tục quan tâm, tăng cường đầu tư vào các dự án phát triển, nâng cấp, tự động hóa, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc KTTV theo đúng tinh thần chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa công tác KTTV của Đảng và Nhà nước.

Có như vậy, việc thực hiện Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả, thu được những kết quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước những năm tới và trong tương lai.

Bảo An (T/H)