Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV); Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai; Đài KTTV khu vực và Đài KTTV các tỉnh; cùng các công ty, doanh nghiệp, khách hàng, nhà máy thủy điện, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo KTTV.
Theo thông tin tại hội thảo, Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều loại hình thiên tai, trong đó chủ yếu là thiên tai KTTV. Do đó, các thông tin về dự báo, cảnh báo KTTV ngày càng có vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế - xã hội nói chung. Việc biết trước được các sự kiện và diễn biến của hiện tượng KTTV trong tương lai sẽ giúp người dân, các cơ quan ban ngành dễ dàng ứng phó với thiên tai, chủ động xây dựng hệ thống sản xuất kinh doanh phù hợp.
Hệ thống dự báo và cảnh báo KTTV phục vụ vận hành hồ chứa thông minh được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng các thông tin về dự báo KTTV. Đây là sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, với các công cụ có mã nguồn mở, có tính chủ động cao, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng. Hệ thống được phân thành nhiều phân hệ cho từng lưu vực trên khắp cả nước; từ đó kết xuất ra các bản tin dự báo tại mọi vị trí trên lưu vực, bao gồm dòng chảy đến hồ cho các thủy điện.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/5/17/du-bao-khi-tuong-20240517104611715.jpg)
Hệ thống dự báo và cảnh báo KTTV phục vụ vận hành hồ chứa thông minh
Giới thiệu về hệ thống năm 2023, ThS. Đặng Đình Đức, Trung tâm CEFD, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hệ thống bao gồm nhiều hệ thống dự báo: khí tượng - phục vụ công tác dự báo thời tiết (7 ngày) và dự báo hạn mùa (6 tháng); thủy văn - phục vụ dự báo dòng chảy đến hồ, dòng chảy thượng lưu và khu giữa; công cụ hỗ trợ ra quyết định - cung cấp thông tin hỗ trợ và kiểm soát việc thực hiện quy trình dự báo mỗi ca, tự động cung cấp số liệu mưa trực tiếp cho mô hình/công cụ thủy văn real time và hỗ trợ hiển thị phân bố mưa theo thời gian dự báo viên phân tích, đánh giá tình thế mưa, lũ. Hệ thống vận hành trên nền tảng cập nhật các công nghệ tiên tiến, tích hợp các kỹ thuật mới trên thế giới, đảm bảo cơ sở khoa học, tính ổn định, tính chính xác cao. Ngoài ra, một số các công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được tích hợp trong hệ thống như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), học sâu (Deep Learning), kỹ thuật đồng hóa số liệu (Data Assimilation)… để tăng cường chất lượng dự báo thủy văn, nhận diện hình thế thời tiết, hình thế mưa - lũ, phân tích với số liệu lịch sử để đưa ra khuyến nghị cho dự báo viên.
Hệ thống đã được vận hành tại các lưu vực: Mê Kông, Hồng, Kỳ Cùng – Bắc Giang, Hương, Se San, Sre Pok, Ba… và chính thức kích hoạt vận hành liên tục từ ngày 15/3/2023. Đến nay, hệ thống dự báo, cảnh báo đã được xây dựng thành công cho 8 lưu vực sông lớn ở Việt Nam, trong đó 4 lưu vực đang được dự báo nghiệp vụ; hệ thống đáp ứng yêu cầu của Nnghị định 114/2018/NĐ-CP, nội dung bản tin đáp ứng Thông tư số 08/2022/TT-BTNMT, QCVN18:2019/BTNMT, Thông tư số 25/2022/BTNMT.
Kết quả của hệ thống có độ tin cậy cao, kịp thời, đảm bảo, phục vụ trực tiếp cho vận hành các hồ chứa đa mục tiêu trong cả nước như: hồ chứa Đắk Mi trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn, hồ Thái An, Thuận Hòa, Sông Miện 5…
Ông Đặng Đình Đức đề xuất một số hướng phát triển để đưa hệ thống dự báo KTTV phục vụ vận hành hồ chứa thông minh phục vụ công tác dự báo vận hành hồ chứa như cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống dự báo, cảnh báo phục vụ vận hành hồ chứa với quy mô chi tiết cho từng lưu vực, từng hồ chứa cho toàn bộ Việt Nam; cập nhật, tích hợp thêm công nghệ tiên tiến của quốc tế để tăng cường độ chính xác cho các bản tin dự báo. Đưa các mô hình thủy văn thông số phân bố vào công tác dự báo nghiệp vụ; tự động hóa tối đa công tác dự báo, xử lý số liệu, phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác dự báo nghiệp vụ. Kết hợp với các đối tác chuyên về vận hành hồ chứa để cung cấp bản tin phù hợp, góp phần tăng cường hiệu quả vận hành các hồ chứa.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu đầu ngành cùng thảo luận, trao đổi ý kiến và đóng góp ý kiến, nhận xét tích cực về việc dự báo KTTV, cảnh báo thiên tai… nhằm giảm thiểu thiệt hại, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững.