Văn hóa, du lịch

Triển lãm Dấu ấn 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam

Thứ ba, 14/3/2023 | 10:13 GMT+7
Ngày 13/3, Viện Phim Việt Nam khai mạc triển lãm “Dấu ấn 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam” nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Phát biểu khai mạc triển lãm, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Ngô Đặng Trà My nhấn mạnh, ngày 15/3/1953, tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”. Sắc lệnh có ý nghĩa to lớn đối với sự hình thành, phát triển của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Đến nay, nền điện ảnh nước ta đã tiến tới mốc kỷ niệm 70 năm với niềm tự hào được chắt lọc từ những bộ phim tiêu biểu của các thế hệ nghệ sĩ luôn gắn bó và đồng hành cùng đất nước.

Với chức năng lưu chiểu, lưu trữ phim và bảo quản các tư liệu điện ảnh, nghiên cứu lý luận, công nghệ điện ảnh, khai thác phổ biến các tư liệu điện ảnh theo quy định của pháp luật, Viện phim Việt Nam mong muốn giới thiệu những tư liệu điện ảnh tới các thế hệ khán giả thông qua các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Từ đó, khơi dậy truyền thống lịch sử, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; ghi nhận và khẳng định những giá trị, thành quả cách mạng của đất nước, dân tộc ta, trong đó có nền điện ảnh Việt Nam trong suốt những năm qua.

Triển lãm “Dấu ấn 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam”

Triển lãm “Dấu ấn 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam” giới thiệu hơn 200 hình ảnh về những sự kiện, con người, tác phẩm điện ảnh tiêu biểu trong dòng chảy lịch sử điện ảnh nước nhà, theo 3 chủ đề chính.

Trong đó, chủ đề 1 là “Sự ra đời của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam” với các hình ảnh cơ sở, trang thiết bị, hoạt động sản xuất phim trong hai giai đoạn: Điện ảnh Bưng Biền và Điện ảnh Đồi Cọ; hình ảnh - Sắc lệnh 147/SL ngày 15/3/1953 thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam và con dấu "Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”.

Chủ đề 2: “Những tác phẩm tiêu biểu qua 22 kỳ Liên hoan Phim Việt Nam” bao gồm hình ảnh các tác phẩm tiêu biểu được sản xuất trong ba giai đoạn: thời kỳ kháng chiến (1953 - 1975), thời kỳ thống nhất và xây dựng đất nước (1976 - 1985) và thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế (từ năm 1986 đến nay).

Chủ đề 3 với tên gọi “Vinh danh nghệ sĩ điện ảnh” sẽ trưng bày ảnh chân dung 75 nghệ sĩ điện ảnh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Theo ban tổ chức, triển lãm cũng sẽ được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 23/3 đến ngày 6/4, tại trường Đại học Văn hóa (cơ sở 2), 288 Đỗ Xuân Hợp, Phước Long A, thành phố Thủ Đức.

Trong khuôn khổ sự kiện, Viện Phim Việt Nam còn tổ chức Chương trình chiếu phim chào mừng, với những tác phẩm kinh điển của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam như: “Chung một dòng sông”; “Bao giờ cho đến tháng Mười”; “Mùa ổi”; “Đừng đốt”. Chương trình diễn ra lúc 9 giờ các ngày từ 13 - 16/3 tại rạp Ngọc Khánh.

Dịp này, Viện Phim Việt Nam cũng giới thiệu sách mới “Áp phích phim điện ảnh Việt Nam theo dòng lịch sử” (tập 1: 1953 - 2000). Tác phẩm giới thiệu tới bạn đọc hơn 200 áp phích ở các thể loại: phim truyện, phim tài liệu và phim hoạt hình được sản xuất từ năm 1953 đến năm 2000. Đây là số áp phích đang được Viện Phim Việt Nam lưu trữ, được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.

Triển lãm sẽ diễn ra đến ngày 19/3 tại rạp Ngọc Khánh, số 523 phố Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.

Việt Nga