Việc đầu tiên tôi làm sau khi tắm rửa xong là đi thăm cái “vườn cấm” nho nhỏ của tôi. “Khu vườn địa đàng” này chỉ rộng khoảng vài mét vuông nhưng tôi cũng khéo xếp được vài trăm chai rượu, kỷ niệm của những lần đi thử nếm khắp nơi trên thế giới. Thôi thì đủ cả rượu Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Australia, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Algeria, Maroc, Nam Phi, Mỹ, Argentina, Chile… Đối với tôi, mỗi một chai rượu có một cuộc đời riêng, một tình cảm riêng, một linh hồn riêng, một nét văn hóa riêng, muôn màu muôn vẻ…
Mỗi khi vào “cái thế giới của riêng tôi ấy”, tôi ở lại hàng giờ, say đắm trong cái không gian mờ mờ ảo ảo, nửa tối nửa sáng. Tôi tưởng như nghe thấy mỗi chai rượu rì rầm ca hát, kể lại cho tôi những gì đã xảy ra trong thời gian tôi vắng nhà, những vui buồn chúng đã trải qua, những đổi thay mà chúng cảm nhận được về thời tiết, khí hậu, ánh sáng, về những tia nắng ban mai, những vì sao le lói, cả những đêm trăng rời rợi khiến cây lá bên ngoài khung cửa tò vò cũng như sáng rực lên, tràn trề sức sống. Tôi hít căng lồng ngực bầy không khí đượm mùi ẩm mốc và phảng phất hương rượu, cái phần bay hơi tinh túy, phần của các thiên thần “la part des Anges” đó. Tôi sờ lên những nhãn chai xù xì hay trơn láng... Này nhé, chai rượu Muffalar đến từ Rumani vẫn còn nồng hương cô gái nông dân vùng núi Carpates. Chai Ice Wine (rượu từ nho thu họach trên tuyết) đến từ Canada mang hơi thở nóng rực của lũ sói săn tìm hươu Caribou trên băng tuyết tháng giêng…
Ánh mắt tôi chợt dừng lại ở một chai rượu vang có hình ảnh một con sói đang ngửa cổ lên trới hú. Tôi lấy mu bàn tay lau qua lớp bụi trên nhãn chai: Tipaume, Chile. Những kỷ niệm chuyến đi Chile chợt ùa về.
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/12/02/Yves-Pouzet-20241203091206638.JPG)
Kỹ sư nông nghiệp Yves Pouzet tại Santiago de Chile
Đó là mùa hè 2010, tôi tham gia Ban giám khảo một cuộc thi quốc tế rượu vang ở Santiago de Chile theo lời mời của Cơ quan Thương mại Prochile và cá nhân bà Isabel Saiz, Giám đốc điều hành khách sạn Park Hyatt. Xen kẽ giữa những buổi thử nếm là những cuộc đi thăm các vườn nho. Hôm đó, theo lời mời của Hiệp hội những nhà trồng nho vùng Cauquenes là một vùng bị trận động đất khủng khiếp tháng 2/2009 phá hủy, chúng tôi đi để cảm nhận và chia sẻ với các bạn Chile nỗi đau không chỉ của người dân Chile nói chung mà của cả những nhà trồng nho, làm rượu nói riêng. Rời Thủ đô Santiago chừng 2 tiếng, xe chúng tôi đi ngang qua một thành phố với nhà cửa vẫn còn đổ nát ngổn ngang, thành phố Cauquenes. Xe dừng lại ở một lãnh địa với toàn bộ nhà xưởng tan hoang sau trận động đất tháng 2/2009. Vươn lên trên đồ nát và hoang phế, những gốc nho trăm tuổi xù xì ngủ đông trong chiều mong manh nắng thủy tinh.
Chúng tôi đi lang thang qua cánh đồng nho, qua con suối cạn trơ sỏi đá, chỉ còn lại một xíu nhỏ róc rách in bóng mây trời lãng đãng trôi. Đỉnh núi tuyết xa xa in ráng đỏ lên bầu trời xanh ngắt. Không gian im lặng tới mức thỉnh thoảng bị phá vỡ bởi tiếng kêu khàn khàn của bầy quạ đang sà xuống tìm ăn những chùm nho khô còn lại sau mùa thu hoạch.
Chiều trên núi trong suốt như pha lê chợt vỡ tan thành trăm ngàn mảnh nhỏ bởi tiếng tru của một chú chó hoang nào đó.
“Anh có muốn một chút rượu vang không?”, ai đó thì thầm vào tai tôi.
Một anh chàng cao to, râu rậm, trên tay cầm một chai rượu vang đang đi bên cạnh tôi từ lúc nào mà tôi không hề hay biết.
“Tôi là Yves Pouzet, kỹ sư nông nghiệp. Qua cách anh nói tiếng Anh, tôi biết là anh nói giỏi tiếng Pháp. Bố mẹ tôi là người Pháp, vì thế, ta có thể trao đồi với nhau bằng tiếng Pháp nếu anh thấy điều đó tiện cho anh hơn”.
Ở giữa núi non trùng điệp này, có được một người bạn đồng hành nói giỏi tiếng Pháp thì còn hạnh phúc nào bằng. Chúng tôi tách ra khỏi đoàn, tới ngồi trên một ghế gỗ trước cửa trang trại. Yves có đem theo 2 ly rượu vang trong túi khoác vai. Anh rót cho mỗi người một chút.
Tôi tò mò hỏi Yves: “Tại sao trên nhãn chai rượu vang của anh lại có hình một con cú mèo và một con sói đang ngửa cổ lên trời hú?”.
“Đó là vì rượu vang của tôi là rượu vang sạch và mọi quy trình đều tuân thủ lịch mặt trăng. Anh cũng biết là trong đêm, cú mèo và chó sói sẽ từ hang bay ra, đi ra kiếm mồi. Qua đó, anh thấy chai rượu Tipaume này mang theo nó cả một hành trang văn hóa”.
![](/userfile/User/dohuong/images/2024/12/02/Yves-Pouze%26Terry-Harney-20241203091206904.JPG)
Yves Pouzet trong một hội thảo về rượu vang tại khách sạn Sofitel Metropole, Hà Nội
Tôi nhấp một ngụm nhỏ. Rượu cay nồng, dịu ngọt, nồng nàn mùi quả chín nuột và hương vani, đồng thời có vị hoang dã của thảo mộc trên núi và chiều sâu thăm thẳm của một đêm không trăng sao, chỉ có tiếng cú mèo khắc khoải và tiếng tru rợn người của sói sục sạo tìm mồi.
Người hướng dẫn đoàn tới, nói rằng chúng tôi có thể ngồi thêm chút nữa vì đoàn sẽ ăn tối tại một lãnh địa gần Cauquenes. Yves rót nốt những giọt rượu Tipaume cuối cùng. Chúng tôi ngồi bên nhau, im lặng, mỗi người cầm trong tay một ly rượu vang Tipaume. Mặt trời đỏ ối đang lặn dần sau dãy núi phía xa. Những đỉnh núi phủ đầy tuyết của rặng Andes hùng vĩ sáng rực lên lần cuối, như nuối tiếc một ngày đã qua đi nhưng để rồi sưởi ấm trong lòng chúng tôi cái hạnh phúc của tình bằng hữu.
- “Trong mỗi chai rượu vang có một linh hồn”... (Charles Baudelaire).