Văn hóa, du lịch

Ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, phát triển văn hóa nghệ thuật truyền thống

Thứ ba, 13/6/2023 | 15:51 GMT+7
Trong bối cảnh ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) tiến hành chuyển đổi số, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống cũng hưởng ứng áp dụng công nghệ thông tin vào quảng bá và sáng tạo nghệ thuật.

Theo thông tin tại hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh chuyển đổi số" được tổ chức mới đây, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống đã tích cực hưởng ứng phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong thời đại mới. Trong đó, nghiên cứu tác động của việc ứng dụng công nghệ, phương tiện truyền thông mới đối với xây dựng, phát huy, khai thác, lan tỏa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam; đề xuất các giải pháp trình diễn, phổ biến, lan tỏa nghệ thuật truyền thống trên nền tảng ứng dụng công nghệ mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhằm phát huy những tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của ứng dụng công nghệ.

Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống

Theo báo cáo tại hội thảo, nghệ thuật biểu diễn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Cụ thể, đại dịch đã khiến nhà hát, sân khấu phải đóng cửa, khán giả không được thưởng thức các chương trình văn hóa nghệ thuật có quy mô, chất lượng cao. Để góp phần giải quyết tình trạng đó, Bộ VHTT&DL đã đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số như: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên nền tảng công nghệ số thống nhất; khuyến khích sử dụng các nền tảng công nghệ số trong hoạt động văn hóa nghệ thuật tạo hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, trong đó có số hóa vở diễn sân khấu.

Trong thời đại công nghệ 4.0, việc nghe nhạc trực tuyến, thưởng thức nghệ thuật truyền thống đã trở thành thói quen phổ biến của nhiều người, do đó việc ứng dụng nền tảng công nghệ số là giải pháp quan trọng để lưu trữ dữ liệu, quản lý và bảo tồn âm nhạc. Theo kế hoạch, Bộ VHTT&DL sẽ xây dựng nhà hát trên Youtube với sự tham gia của 12 nhà hát thuộc Bộ, cũng như nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp khác. Nhà hát trên Youtube được xem là xu hướng hưởng thụ nghệ thuật mới của công chúng trong thời đại công nghệ số, giúp khán giả cả nước có cơ hội thưởng thức nhiều tác phẩm nghệ thuật hay.

Phát biểu tại hội thảo, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, TS. NSND Thanh Ngoan nhấn mạnh, với sự phát triển về công nghệ thông tin hiện nay, việc chuyển đổi số với nghệ thuật truyền thống nói chung và chèo nói riêng là vô cùng quan trọng. Từ trước đến nay, việc gìn giữ các tư liệu văn hóa nghệ thuật chưa được chú trọng, dẫn đến tình trạng bị thất thoát, mai một vốn văn hóa cổ truyền. Vì vậy, việc áp dụng công nghệ số sẽ giúp lưu giữ an toàn, không bị thất thoát. Bên cạnh đó, khi có công nghệ số, khán giả có thể nghe đi nghe lại những bài hát, làn điệu để tìm hiểu chuyên sâu về âm nhạc. Nếu có bảo tàng số, mọi người có thể bảo tồn nhiều môn nghệ thuật truyền thống mà không sợ quá tải. Đồng thời, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống sẽ được mở rộng, quảng bá ở cả trong nước và quốc tế, góp phần lan tỏa tình yêu văn hóa nghệ thuật đến người trẻ. 

Khánh An (T/H)