Sức khỏe

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác phòng và điều trị Covid-19

Thứ sáu, 20/8/2021 | 10:41 GMT+7
Nhiều dự án sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phòng chống, giám sát và điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã được áp dụng ở Việt Nam và cho kết quả tích cực, đáng mong đợi.

Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã thí điểm thành công công nghệ của IQI Health trong việc dùng trí tuệ nhân tạo để chẩn đoán và dự báo tình trạng bệnh nhân Covid-19.

IQI Health là dự án khởi nghiệp về sức khỏe được thành lập tháng 6/2020 tại Việt Nam. Công nghệ của IQI được thí điểm sử dụng tại bệnh viện Bristol (Anh). Kết quả phân tích cho thấy, công nghệ giúp giảm 50% thời gian phân tích trị liệu của bệnh viện cũng như thời gian chết trong quá trình trao đổi thông tin giữa các khâu. Bên cạnh việc phân tích dữ liệu, IQI còn cho phép người dùng tạo hồ sơ bệnh lý, sử dụng dinh dưỡng theo tình trạng cơ thể.

AI chẩn đoán tải lượng virus 60% trên phổi bệnh nhân (trái) và 99% (phải)

Thông thường các bác sĩ sẽ phân tích ảnh phim chụp của bệnh nhân bằng mắt thường, việc này làm tiêu tốn nhiều thời gian, đôi khi nhầm lẫn, bỏ sót các trường hợp nguy kịch trong bối cảnh bệnh viện liên tục bị quá tải. Bên cạnh đó, do lượng bệnh nhân ngày càng đông, các bác sĩ cần sàng lọc, ưu tiên tập trung điều trị bệnh nhân nặng, trong khi việc xét nghiệm PCR chỉ giúp phân loại người nhiễm và không nhiễm Covid-19.

Do đó, công nghệ chẩn đoán bệnh bằng trí tuệ nhân tạo IQI Health phát triển sẽ số hóa hình ảnh chụp và cắt lớp, tự phân loại mức độ bệnh dựa trên tỷ lệ nhiễm virus trên phổi, đóng góp tích cực và hiệu quả trong quá trình đẩy lùi dịch bệnh, bảo toàn sức khỏe bệnh nhân giúp các y bác sĩ. Ngoài chẩn đoán tình trạng bệnh nhân mắc Covid-19, hệ thống còn cho phép dự báo trước một số nguy cơ tiềm ẩn về các bệnh như ung thư, nhồi máu cơ tim...

Trước đó, một dự án giúp chẩn đoán Covid-19 bằng trí tuệ nhân tạo khác cũng thu hút được sự chú ý. Dự án do nhóm nghiên cứu AICovidVN công bố với công dụng có thể nhận biết người nhiễm Covid-19 qua tiếng ho. Được biết, thuật toán trí tuệ nhân tạo do các kỹ sư trong nước huấn luyện cho kết quả nhận dạng chính xác 91% các trường hợp dương tính với Covid-19. Trong khi đó, con số Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ công bố bằng phương pháp tương tự đạt 97%.

Ngoài sử dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán bệnh Covid-19, Bộ Thông tin và Truyền thông còn trang bị hàng nghìn camera giám sát các cơ sở cách ly tại chỗ để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh. Với nền tảng công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo sẽ luôn sẵn sàng cho mọi tình huống, nhất là trong khu công nghiệp có nhiều người nhiễm, nhiều F1 không thể có đủ trung tâm cách ly tập trung theo quy định hiện hành thì vẫn cách ly tại chỗ được bằng hệ thống camera giám sát đến từng phòng, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các nền tảng công nghệ phục vụ phòng chống dịch Covid-19 được triển khai ở Hà Nội đã mang lại hiệu quả. Những ứng dụng này cho phép đồng bộ hóa, quản lý toàn bộ quá trình xét nghiệm bằng công nghệ thông tin, qua đó có thể đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm mà chưa cần trang bị thêm máy móc, sinh phẩm và cán bộ xét nghiệm. Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan để áp dụng nhiều hơn nữa trí tuệ nhân tạo vào công tác phòng và điều trị dịch bệnh Covid.

Bảo An (T/H)