Hội thảo “Ứng dụng và phát triển công nghệ hydrogen trong việc chuyển đổi năng lượng xanh” do Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức dự kiến diễn ra vào ngày 7/3 tới tại Đà Nẵng.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ trong việc chuyển đổi năng lượng xanh hydrogen, đồng thời đưa ra những giải pháp hỗ trợ sản xuất, sử dụng, lưu trữ và vận chuyển nhằm hình thành chuỗi cung ứng hydrogen xanh, Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo “Ứng dụng và phát triển công nghệ hydrogen trong việc chuyển đổi năng lượng xanh”.
Hội thảo nhằm đánh giá tổng thể việc sản xuất hydro xanh từ các nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các tiềm năng sử dụng hydro xanh ở Việt Nam. Từ đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư và chuyên gia… sẽ có thêm góc nhìn tổng thể về vai trò của hydro xanh, giúp quá trình xây dựng, thực thi các cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả, từ đó hỗ trợ phát triển ứng dụng, sản xuất hydro xanh cho mục đích giảm phát thải khí nhà kính và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam.
Ảnh minh họa
Theo thông tin từ ban tổ chức, Việt Nam đang triển khai những bước đầu của việc chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh, sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững. Thời gian qua, Việt Nam đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách nhằm đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với các định hướng chiến lược theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như các cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Các nhà máy nhiệt điện than, khí sẽ chuyển dần sang dùng biomass, amoniac hoặc hydrogen khi các công nghệ đã được kiểm chứng và thương mại hóa. Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời, ưu tiên phát triển những dự án điện năng lượng tái tạo cấp điện trực tiếp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp và dân sinh (ưu tiên sản xuất hydrogen, amoniac xanh, hóa chất…), các loại hình thủy điện tích năng, thủy điện trên hồ thủy lợi, điện sinh khối, điện chất thải rắn và năng lượng tái tạo khác.
Đến nay, Việt Nam đạt được kết quả nhất định trong việc gia tăng tỷ lệ nguồn điện tái tạo trong cơ cấu công suất hệ thống điện, đồng thời có kế hoạch phát triển các nguồn điện ít phát thải hơn và chuyển đổi nhiên liệu trong gian tới.
Hydrogen là một trong những nguồn nhiên liệu thay thế sạch nhất khi được sản xuất ra từ năng lượng gió và mặt trời nên đây được coi là công nghệ hàng đầu trong các nỗ lực giảm khí thải carbon trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay, tại Việt Nam có hai vùng tiềm năng nhất sản xuất hydro xanh là vùng duyên hải Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nam Bộ.
Lan Anh