Việt Nam và Đức cùng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Để hiện thực hóa mục tiêu này vào năm 2045, nước Đức xây dựng và phát triển hệ thống điện với tỉ trọng năng lượng tái tạo cao.
Trong buổi trao đổi tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào ngày 29/11, phía Đức đã chia sẻ những thách thức khi vận hành hệ thống điện như luồng công suất ngược, khó khăn trong công tác dự báo, hệ thống chưa ổn định, khó khăn trong quản lý công suất dự phòng…
Buổi làm việc giữa đại diện Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức và EVN về tích hợp năng lượng tái tạo hướng tới chuyển dịch năng lượng xanh
Để giải quyết những bài toán này, nhiều sáng kiến số đã được chia sẻ, bao gồm việc thiết kế thị trường tập trung vào cả sản xuất và tiêu thụ, tính toán giá điện thời gian thực, lấy nhà tiêu dùng làm trung tâm; xây dựng các nền tảng đấu thầu dịch vụ quản lý nghẽn lưới; ứng dụng các giải pháp trí tuệ nhân tạo cho các tài sản năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng cường các thiết bị có thể điều khiển được; cũng như nâng cao hoạt động dự báo mất cân bằng hệ thống.
Theo báo cáo đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam cam kết cắt giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021 – 2030 so với kịch bản thông thường (BaU) bằng nguồn lực trong nước và có thể tăng lên đến 27% khi nhận được sự hỗ trợ của quốc tế.
Bên cạnh việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng là một trong những chiến lược quan trọng và bền vững. Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP III) đặt mục tiêu đưa tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng.
Đứng trước nhiệm vụ này, hoạt động của các câu lạc bộ hiệu quả năng lượng đã được thảo luận trong buổi làm việc giữa đại diện của Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức, đại diện các hiệp hội về thiết bị điện, năng lượng và môi trường Đức với Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) và Trung tâm nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng (ENERTEAM).
Các câu lạc bộ này sẽ giúp kết nối những doanh nghiệp có địa bàn gần nhau, đặc thù tương đối giống nhau có thể hỗ trợ nhau về kỹ thuật, máy móc, thiết bị. Qua đó giúp nâng cao chất lượng của hoạt động kiểm toán năng lượng và quản lý năng lượng. Các doanh nghiệp nhờ vậy có thể học hỏi lẫn nhau, mở rộng mạng lưới kết nối với các đơn vị tư vấn uy tín trong ngành.
Cũng trong ngày làm việc này, một ý định thư đã được ký kết đánh dấu cam kết hỗ trợ của các hiệp hội, mạng lưới năng lượng Đức đối với sự phát triển mạng lưới hiệu quả năng lượng tại Việt Nam.