Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, sau phiên họp thứ 8 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan của khuôn khổ Đối tác Chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang chủ động tích cực triển khai nhiều hoạt động: hoàn thiện khung pháp lý về quản lý tài nguyên nước theo Luật Tài nguyên nước 2023; triển khai Kế hoạch hợp tác chung trong tìm kiếm, khai thác cát ngoài khơi bền vững; xây dựng chương trình hợp tác về giáo dục, đào tạo và nghiên cứu về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước…
Bên cạnh đó, Việt Nam đã triển khai rất nhiều chương trình hành động để thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 như: đưa ra các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)… do đó rất cần sự đồng hành của các đối tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, khoa học công nghệ, tài chính hỗ trợ…
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh làm việc với Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan
Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan Mark Harbers cho rằng, sau phiên họp thứ 8 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan, những nội dung nào còn vướng, khó khăn thì hai bên cần lập danh sách ưu tiên, đưa ra hành động sớm để việc hợp tác có được kết quả tốt. Từ đó, đưa ra cho các quốc gia trong Ủy ban quốc tế về đồng bằng và ven biển (IPDC) tham vấn, học hỏi và xây dựng chương trình thực hiện về thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Mark Harbers cũng đánh giá cao những hoạt động tích cực của Bộ TN&MT Việt Nam trong các vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là có giải pháp "thuận thiên" để thích ứng với biến đổi khí hậu. Để triển khai tốt hơn nữa việc hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong những chương trình chung tiếp theo, Bộ trưởng Mark Harbers đã đề xuất về chương trình hợp tác khai thác cát ngoài khơi bền vững; quản lý nước ngầm bền vững tại đồng bằng sông Cửu Long; khai thác khoáng sản thiết yếu; các hoạt động tại IPDC… Đây là những thế mạnh của Hà Lan và Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ với Việt Nam về chính sách, kinh nghiệm, kỹ thuật cũng như các giải pháp tài chính.
Về vấn đề khai thác cát ngoài khơi bền vững, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhất trí với quan điểm cần phải nhanh chóng đưa ra những hướng dẫn cho các dự án tìm nguồn cung ứng cát ngoài khơi. Để củng cố thêm năng lực quản lý việc khai thác, Bộ trưởng giao Cục Địa chất Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để triển khai, với trọng tâm là xây dựng hành lang pháp lý, chính sách quy hoạch, đánh giá tác động môi trường và xã hội…
Đối với quản lý nước ngầm bền vững tại đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng cho biết, Bộ TN&MT đang thực hiện một số nghiên cứu liên quan như: giải pháp tổng thể trữ nước nhằm giải quyết vấn đề thừa nước vào mùa lũ, thiếu nước vào mùa khô ở vùng. Đồng thời, mong muốn Hà Lan có thể hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm nhằm giúp cân bằng nguồn tài nguyên nước, đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh còn đánh giá IPDC là một nền tảng tốt để chia sẻ kiến thức về thích ứng khí hậu ở các đồng bằng. Theo đó, Bộ trưởng giao Cục Biến đổi khí hậu, Cục Quản lý tài nguyên nước, Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam phối hợp với phía Hà Lan để đưa ra những đề xuất nâng cao năng lực quốc gia trong vấn đề tận dụng tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, biến nguy thành cơ, hỗ trợ kinh tế cho người dân của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Hai Bộ trưởng Việt Nam và Hà Lan cũng trao đổi về xây dựng chương trình đánh dấu 15 năm thành lập khuôn khổ về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước giữa hai quốc gia.