Theo thông tin từ Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế, Việt Nam được đánh giá có nhiều nguồn thảo dược đa dạng, phong phú, quý hiếm và đã tham gia thị trường cung cấp dược liệu toàn cầu với các dược liệu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng...
Dự kiến đến năm 2030, thị trường dược liệu toàn cầu sẽ đạt mức 400 tỷ USD. Đây là tiềm năng, cơ hội lớn cho ngành sản xuất dược liệu Việt Nam.
Theo ông Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, để tham gia vào thị trường thảo dược toàn cầu hiện nay, Việt Nam cần phải đầu tư khoa học công nghệ, giống, vốn, phát triển vùng trồng dược liệu trên quy mô lớn, tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước nhập khẩu. Theo đó, phải phát triển các sản phẩm từ dược liệu có nguồn gốc hữu cơ (organic) gắn với truy xuất nguồn gốc xuất xứ của dược liệu. Bên cạnh đó, cần có quy mô đủ lớn để đáp ứng yêu cầu sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới, đồng thời phải tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước phát triển đối với mỗi loại dược liệu; các chứng nhận hữu cơ theo yêu cầu, an toàn theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.
Cần kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu theo yêu cầu về sản xuất dược liệu hữu cơ, sản xuất dược liệu sạch; đẩy mạnh nghiên cứu để đa dạng hóa, gia tăng các chuỗi giá trị của các sản phẩm về dược liệu, bao gồm các sản phẩm về thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, sản phẩm về sức khỏe hay hóa mỹ phẩm có nguồn gốc từ dược liệu.
Việt Nam có lợi thế lớn trong thị trường cung cấp dược liệu toàn cầu
Thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển ngành dược liệu quốc gia như: từng bước xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ dược liệu; xây dựng các vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP). Từ đó tiến tới các dược liệu hữu cơ, đảm bảo đầu ra tiêu chuẩn theo yêu cầu của các nước, cũng như các giới hạn vi sinh vật, giới hạn bảo vệ thực vật.
Tập trung đầu tư xây dựng các vùng trồng dược liệu tập trung, quy mô đủ lớn đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của các nước nhập khẩu như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc...
Đặc biệt, để thúc đẩy và tham gia sâu hơn vào thị trường dược liệu toàn cầu, Bộ Y tế đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp dược trong nước, trong đó có việc áp dụng công nghệ mới, hiện đại trong bào chế, sản xuất và phân phối sản phẩm dược liệu.
Cụ thể, trong Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp dược như ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia. Quyết định cũng nêu rõ một số nhóm giải pháp đồng bộ về thể chế, pháp luật, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; giải pháp về khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; giải pháp về kiểm soát thị trường thuốc, dược liệu; giải pháp về hợp tác và hội nhập quốc tế; giải pháp thông tin và truyền thông.