Việt Nam kêu gọi hợp tác, chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước

Thứ bảy, 3/7/2021 | 19:06 GMT+7
Mới đây, Hội nghị cấp Bộ trưởng trong khuôn khổ sáng kiến “Đối thoại về nước vì kết quả của sáng kiến Bonn 2021: Tăng tốc triển khai liên ngành Mục tiêu phát triển bền vững số 6 (SDG 6)" đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tham gia hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành bày tỏ sự nhất trí đối với những ý kiến, đánh giá của các đại biểu tham gia hội nghị về vai trò cốt lõi của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng chia sẻ một số thách thức mà Việt Nam đang gặp phải về tài nguyền nước như: nguồn nước nội sinh thấp chỉ đạt khoảng 3.200m3/người/năm, phụ thuộc nhiều vào nước ngoài với hơn 60% lượng nước được sản sinh từ nước ngoài, 70 - 80% dòng chảy tập trung vào những tháng mùa mưa, chịu tác động nhiều của biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng gia tăng do tăng dân số và nhu cầu cho phát triển xã hội.

Tài nguyên nước Việt Nam gặp khó do phần lớn lượng nước sản sinh từ nước ngoài

Chia sẻ một số kinh nghiệm, chủ trương, giải pháp của Việt Nam trong việc hiện thực hóa mục tiêu SDG 6 của Liên Hợp Quốc, Thứ trưởng nhấn mạnh, tài nguyên nước là một vấn đề liên ngành, cần phải được quản lý tổng hợp và đảm bảo sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan trong quá trình ra quyết định, xây dựng, thực hiện chính sách. Cần tăng cường hơn nữa nỗ lực bảo vệ môi trường lưu vực sông, khôi phục các dòng sông bị ô nhiễm, xử lý rác thải, nước thải đô thị.

Thứ trưởng Lê Công Thành cũng bày tỏ quan điểm của Việt Nam về việc ủng hộ những thông điệp chính sách về quản lý tổng hợp tài nguyên nước được đưa ra tại hội nghị, đồng thời kêu gọi các quốc gia thượng nguồn sớm gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia.

“Việt Nam đã gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông đường thủy vào năm 2014 và chúng tôi kêu gọi các quốc gia thượng nguồn sớm gia nhập Công ước này để cùng nhau hợp tác, chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước vì mục tiêu phát triển bền vững, góp phần cho nỗ lực toàn cầu vì một thế giới phát triển bền vững”, Thứ trưởng Lê Công Thành bày tỏ.

“Nhằm đi đúng hướng, đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ, cần phải có sự hợp táp quốc tế mạnh mẽ và cam kết của cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nước còn khó khăn nguồn lực, kiến thức, công nghệ để triển khai hiệu quả các giải pháp đề ra. Trong quá trình này, cần sự hỗ trợ của các nước phát triển về kỹ thuật và tài chính nói chung, cũng như phải có sự tăng cường hợp tác, trao đổi, chia sẻ dữ liệu của các quốc gia có chung nguồn nước”, Thứ trưởng đề nghị.

Sau khi thảo luận, hội nghị đã thông qua một số nội dung quan trọng. Bao gồm: nước là yếu tố chính mang lại nhiều lợi ích cho các lĩnh vực khác nhau và giúp giải quyết các thách thức toàn cầu, không thể phát triển bền vững nếu không có nước; cam kết thúc đẩy các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 và các chương trình nghị sự toàn cầu khác về thúc đẩy hành động về nước; ủng hộ việc triển khai các mục tiêu liên quan đến Thập kỷ hành động quốc tế về nước: nước cho sự phát triển bền vững; công nhận vai trò quan trọng của các tổ chức đa phương, tổ chức quốc tế và các bên liên quan trong việc đạt được các thông điệp trên.

Khả Di (T/H)