Việt Nam thải hơn 2,2 triệu tấn rác thải nhựa nhưng chỉ xử lý một nửa

Thứ năm, 28/11/2019 | 09:00 GMT+7
Mỗi năm người Việt xả ra khoảng hơn 2, 2 triệu tấn rác thải nhựa nhưng chỉ một nửa trong số chúng được thu gom và xử lý.

Ngày 25/11, Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam 2019, nhằm hướng tới mục tiêu bền vững trong kinh doanh cũng như giảm tải rác thải bao bì.

Tại diễn đàn, ông Phạm Hoàng Hải, Chuyên gia độc lập, VCCI cho hay: “Nhựa trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Trung bình trong một năm toàn thế giới sản xuất 8,3 tỉ tấn nhựa, tính từ năm 1950 đến nay”. Điều này đồng nghĩa với việc môi trường đang phải gánh chịu hơn 8 tỉ tấn rác thải nhựa, con số này sẽ tiếp tục được gia tăng mỗi năm.

Với lượng nhựa thải ra đại dương chiếm 6% toàn cầu, Việt Nam là quốc gia xả rác thải nhựa ra biển nhiều thứ 4 thế giới. Ước tính người Việt thải gần 540.000 tấn rác thải mỗi tháng, trong đó mỗi người xả ra khoảng 3,5kg rác thải nhựa và sẽ tăng thêm 30% đến năm 2030.

Nắm bắt được những con số nguy hiểm đang gia tăng đột biến, Chính phủ nước ta đã có những thay đổi rõ rệt trong chính sách. Cụ thể, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hiện có khoảng 2.000 tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng thực phẩm, đồ uống, và các biện pháp xử lý liên quan. Tính đến thời điểm này, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cũng có gần 800 quy chuẩn liên quan đến thực phẩm và đóng gói bao bì, các hệ quy chuẩn này liên tục được rà soát và sửa đổi thường xuyên.

Tuy nhiên, ông Edwin Seah, Thư ký Hiệp hội Lương thực thực phẩm châu Á cho biết, Việt Nam thải ra 2,2 triệu tấn rác thải nhựa trong năm 2017 nhưng chỉ một nửa trong số chúng được thu gom và xử lý. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải có nhiều sáng kiến, chính sách mới hơn nữa để khuyến khích người dân thu thập, phân loại, sử dụng nguyên liệu thay thế và tái sử dụng rác thải nhựa.

Ông Edwin Seah chia sẻ về các hành động của quốc tế trong quản lý và tái chế rác thải nhựa

Bên cạnh đó, ông Hải khẳng định, mới chỉ có 7 - 9% chất thải nhựa được đưa vào tái chế và quy trình tái chế vô cùng phức tạp, đặc biệt, Việt Nam và thế giới chưa có thị trường sử dụng các hạt nhựa tái chế. Theo ông, gần 100% chai nhựa PET đều được thu gom và tái chế, chỉ có vỏ bao bì được làm từ các hạt vi nhựa như: vỏ bim bim, nylon, file kẹp giấy… là không được thu gom bởi không có khả năng tái chế. Để xử lý loại rác thải này, ông cho rằng chôn lấp tốt nhất bởi hạt vi nhựa được tạo ra từ dầu hỏa nên khi đốt sẽ tạo ra lượng khí thải carbon lớn. Đặc biệt, nếu muốn biến rác thải nhựa thành điện thì cần nhiệt độ tối thiểu từ 400 - 7000C, tuy nhiên nhiệt độ lớn này tác động đến nhựa sẽ sản sinh ra khói độc dioxin gây hại trực tiếp cho con người và động vật.

Có thể nói, việc phân loại và xử lý rác thải bao bì vẫn đang là vấn đề vướng mắc của nhiều quốc gia, trong diễn đàn năm nay, các chuyên gia từ những tổ chức quốc tế đã cùng thảo luận và đưa ra một giải pháp mới, hướng đến người tiêu dùng hơn là các doanh nghiệp sản xuất.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi về thực trạng và đưa ra giải pháp để quản lý hiệu quả rác thải bao bì

Trong phiên đối thoại, Phó chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) – ông Fausto Tazzi đã đề xuất chiến dịch chia sẻ thông tin cho từng hộ gia đình về cách phân loại rác thải, thay thế các sản phẩm từ nhựa bằng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường. Đồng thời, nhiều sáng kiến đã được áp dụng thành công ở các quốc gia khác nên được mở rộng quy mô thí điểm ở Việt Nam để Chính phủ Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của người dân trong việc sử dụng bao bì thực phẩm.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Edwin Seah chia sẻ về mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành đóng gói bao bì ở Singapore. Là quốc gia thứ hai, sau Nhật Bản, chuyển đổi thành công chất thải rắn thành năng lượng, Singapore đã biến tro, xỉ từ quá trình đốt rác thải thành chất phụ gia cho bê tông và vật liệu xây dựng. Theo kế hoạch đến năm 2020, Chính phủ Singapore sẽ tham gia vào các công ty thực phẩm để có những tác động đến công nghệ đóng gói bao bì nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa. Đại diện Hiệp hội Lương thực thực phẩm châu Á mong rằng sáng kiến này sẽ được cân nhắc và áp dụng ở nhiều quốc gia, bởi phương pháp giải quyết vấn đề hiệu quả, triệt để nhất phải được bắt đầu từ gốc rễ.
 

Thanh Bảo