Kinh tế xanh

Xanh hóa doanh nghiệp là xu hướng toàn cầu

Thứ ba, 2/7/2024 | 11:06 GMT+7
Xu hướng xanh hóa doanh nghiệp đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu, không chỉ do áp lực từ biến đổi khí hậu mà còn bởi những lợi ích kinh tế và xã hội mà nó mang lại.

Xanh hóa hoạt động kinh doanh

Đối với Việt Nam, việc xanh hóa hoạt động kinh doanh là một bước đi cần thiết để phát triển bền vững và tăng cường cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường gặp khó khăn về vốn đầu tư ban đầu, công nghệ và kỹ thuật hiện đại để thực hiện các giải pháp xanh, tiết kiệm năng lượng và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, từ đó nâng cao uy tín và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tốt hơn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính xanh, một hội thảo có chủ đề “Xanh hóa doanh nghiệp và cơ hội tiếp cận nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng” vừa diễn ra tại tỉnh Lâm Đồng. Hội thảo do Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tỉnh Lâm Đồng tổ chức thông qua Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) do USAID tài trợ. 

Nông sản thân thiện với môi trường sẽ tăng khả năng cạnh tranh thị trường quốc tế

Hội thảo gồm 5 chủ đề : Dấu chân carbon và các biện pháp giảm thiểu dấu chân carbon cho các doanh nghiệp ngành du lịch và doanh nghiệp nông nghiệp ở Lâm Đồng; Giải pháp tài chính xanh cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh; Tiếp cận các chính sách ưu đãi về tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chiến lược gọi vốn cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh; Chia sẻ thực tiễn gọi vốn của doanh nghiệp đã gọi vốn thành công.

Giảm phát thải khí nhà kính

Giới thiệu về “dấu chân carbon”, Giám đốc quốc gia Kosher Climate Trần Văn Toản cho biết đây là sản phẩm được sử dụng để đo lượng phát thải khí nhà kính mà một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể tạo ta trong suốt vòng đời của nó. Theo ông Toản, tính đến cuối năm 2023, khoảng 145 quốc gia đã thông báo hoặc đang cân nhắc mục thiểu phát thải ròng bằng “0” và chiếm gần 90% lượng phát thải toàn cầu. Mục tiêu về giảm phát thải ròng khí nhà kính của Việt Nam là: năm 2030, tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU); không phát triển thêm dự án nhiệt điện than mới. Năm 2035, tổng phát thải khí nhà kính đạt đỉnh; giảm dần quy mô công suất điện than sau năm 2035. Năm 2050, tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng “0”-Net Zero.

Nhà lưới, nhà lồng là một nguyên nhân tăng phát thải khí nhà kính 

Hành động giảm thiểu dấu chân carbon bao gồm: Sử dụng năng lượng hiệu quả; Chuyển đổi năng lượng; Sử dụng nguyên, vật liệu phát thải thấp; Thay đổi hành vi; Tăng cường mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo ThS. Lê Hoài Ân-Chuyên gia dự án ASAID IPSC, có 3 giải pháp chung các doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh gồm: Sử dụng năng lượng tái tạo; Giảm thiểu bao bì; Giảm chất thải trong nhà máy sản xuất.

Tài chính xanh  

Theo Tiến sĩ Đặng Thị Minh Nguyệt-Trường Đại học Thương mại, tài chính xanh hiểu đơn giản nhất là những hỗ trợ về tài chính để tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững thông qua các chiến lược, phương pháp đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu và môi trường để giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường. Tài chính xanh còn là mô hình đầu tư và tài trợ nhằm thúc đẩy các dự án, sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Tài chính xanh đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho các hoạt động phát triển bền vững.

Sử dụng năng lượng tái tạo là một trong 3 giải pháp chung của doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh 

Do đó, tài chính xanh bao gồm: tín dụng xanh, trái phiếu xanh và quỹ đầu tư xanh. Tiến sĩ Đặng Thị Minh Nguyệt thông tin một số kết quả cụ thể ở Việt Nam. Ví dụ, tín dụng xanh, cuối quý I/2024, có 47 tổ chức tín dụng tham gia thực hiện, chiếm hơn 80%; 34 tổ chức tín dụng đã thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội với dư nợ đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế... Về trái phiếu xanh, ngân hàng TMCP Ngoại thương phát hành trái phiếu trị giá 100 triệu USD năm 2022 tài trợ cho dự án năng lượng tái tạo; UBND tỉnh Bà Rịa-Vụng Tàu, Quản lý nguồn nước bền vững 4 triệu USD; Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam, Dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận 2.100 tỷ đồng; EVNFinace (EVNFC, 2022) tài trợ các dự án đạt điều kiện được nêu tại Khung trái phiếu xanh của EVNFinance 1.700 tỷ đồng…

Sự tất yếu của tài chính xanh

 Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc AED, cho biết các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), ưu tiên trong các khuôn khổ hợp tác quốc tế về kinh doanh bền vững, sản xuất xanh, vấn đề thuế carbon, công cụ kiểm chứng carbon đang áp dụng ngày càng ở nhiều nước trên thế giới đang đặt ra những thách thức cần phải đổi mới cho các doanh nghiệp Việt Nam để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tham gia và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xu hướng toàn cầu về tài chính xanh đang ngày càng rõ ràng với sự gia tăng đáng kể trong việc đầu tư vào các dự án bền vững. Các tiêu chuẩn đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong các khía cạnh liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang trở thành yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư của các nhà quản lý tài sản và nhà đầu tư.

Sự hấp dẫn của sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn tại Lâm Đồng 

Cũng theo bà Thủy, nhiều quốc gia và khu vực đã áp dụng các chính sách và quy định khuyến khích tài chính xanh, thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư xanh. Ngân hàng và tổ chức tài chính cũng đang tích cực phát triển các sản phẩm tài chính xanh, như trái phiếu xanh và quỹ đầu tư bền vững. Sự chuyển dịch này không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn tạo ra cơ hội sinh lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư. “Trước bối cảnh và xu thế không thể đảo ngược về phát triển xanh, phát triển bền vững, các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động thay đổi, chuyển đổi mô hình kinh doanh để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Trong quá trình đó, việc tiếp cận nguồn tài chính xanh để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững hơn sẽ là nhu cầu tất yếu của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa”, bà Nguyễn Thị Bích Thủy nhấn mạnh.

Thủy điện -nguồn năng lượng góp phần xanh hóa hoạt động của doanh nghiệp 

Để đạt hiệu quả cao, ông Bùi Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng cho rằng, đổi mới sáng tạo xanh là điều tất yếu và cần sự chung tay của nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt và tiên phong. Tại Lâm Đồng, ngoài phát triển vượt bậc trong ứng dụng khoa học công nghệ, công tác quản lý đã từng bước đổi mới tư duy theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ. 

Đến nay, trên toàn quốc, đã có hơn 3.500 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhận được các loại hình hỗ trợ kỹ thuật khác nhau của IPSC thông qua gần 50 khoa đào tạo cơ bản, chuyên sâu, các chương trình đào tạo, tư vấn và các sự kiện kết nối.  

Minh Đạo