Dự án do Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận triển khai, có sự tham gia của cộng đồng. Dự án là mô hình điển hình về việc chia sẻ lợi ích, sử dụng và quản lý nguồn nước bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra theo hướng cực đoan, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân.
Ao chống chịu khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước
Theo Quỹ Khí hậu xanh (GCF), đơn vị tài trợ dự án, hiện có tổng cộng 121 ao chống chịu khí hậu đã và đang được thi công để cải thiện an ninh nguồn nước và bảo vệ sinh kế của các nông hộ nhỏ trong khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Trong đó, 106 ao đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. 15 ao đang được thi công và dự kiến sẽ sớm được hoàn thành để kịp tích nước trong mùa mưa.
Được biết, mỗi ao được thiết kế để có thể tích trữ hiệu quả nguồn nước mưa và nước mặt, đồng thời cung cấp nguồn nước bền vững cho nông dân trong mùa khô hạn hàng năm tại địa phương, góp phần giảm đáng kể khả năng bị thiếu nước do hạn hán và các tác động khác của biến đổi khí hậu. Theo đó, tại mỗi ao chống chịu khí hậu, các chuyên gia thủy lợi sử dụng mô hình mưa để tính toán cân bằng nước, xem xét nhiều yếu tố như: sử dụng tối đa nguồn nước sẵn có, phù hợp với điều kiện địa lý và rủi ro khí hậu; kinh nghiệm truyền thống của địa phương. Từ đó, đảm bảo rằng ao được xây dựng có thể chống chịu tốt với các kịch bản khí hậu khác nhau, đảm bảo cung cấp nước và sử dụng tốt trong thời gian dài. Bên cạnh đó, thiết kế của ao cũng tính đến các tính năng giảm thiểu thất thoát nước, tránh bồi lắng, góp phần thúc đẩy hoạt động quản lý nguồn nước bền vững.
Theo Ban quản lý dự án, một trong những khía cạnh quan trọng của dự án là cách tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm. Thông qua "các nhóm quản lý sử dụng ao", nông dân, đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số sẽ đóng vai trò chính, tích cực tham gia giám sát xây dựng, vận hành và bảo trì. Sau khi tham gia các buổi tập huấn, nâng cao năng lực, các nhóm do nông dân phụ trách triển khai hoạt động đảm bảo ao được sử dụng một cách tối ưu, cũng như kịp thời giải quyết các thách thức kỹ thuật, lan tỏa tác động tích cực đến cộng đồng địa phương.
Thời gian tới, các đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng, bàn giao và đưa vào sử dụng những ao chống chịu khí hậu còn lại theo đúng kế hoạch.