Cục Quản lý tài nguyên nước hợp tác triển khai dự án nước ngầm xuyên biên giới

Thứ sáu, 21/7/2023 | 16:29 GMT+7
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Ngô Mạnh Hà, các dự án nước ngầm xuyên biên giới liên quan đến Việt Nam phải có sản phẩm rõ ràng và mạch lạc, phục vụ hiệu quả công tác quản lý tài nguyên nước, phù hợp với các quy định về pháp luật.

Tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà đã vừa làm việc với ông Ryuichi Fukihara, đại diện Văn phòng khu vực của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Jakarta và bà Trần Lan Hương, Trưởng Chương trình Khoa học tự nhiên, UNESCO Việt Nam về dự án nước ngầm xuyên biên giới do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ.

Tại buổi làm việc, ông Ryuichi Fukihara cho biết, thời gian qua, trong khuôn khổ Chương trình liên Chính phủ do UNESCO ký kết với Việt Nam, UNESCO đã có nhiều hỗ trợ cụ thể cho Việt Nam, nhất là trong dự án "Tài nguyên nước ngầm ở tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng: Quản lý hợp tác để tăng cường khả năng phục hồi khí hậu”. Thời gian tới, UNESCO sẽ hợp tác với Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam để tiếp tục thúc đẩy thực hiện dự án, sáng kiến quan trọng này.

Hợp tác triển khai các dự án nước ngầm xuyên biên giới với Việt Nam

Bên cạnh đó, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và UNESCO còn đóng vai trò là cơ quan triển khai dự án “Tăng cường tính bền vững của tầng chứa nước xuyên biên giới Campuchia - đồng bằng sông Cửu Long” do GEF tài trợ.

Dự án “Tăng cường tính bền vững của tầng chứa nước xuyên biên giới Campuchia - đồng bằng sông Cửu Long” bao gồm 5 hợp phần thể: hợp tác đánh giá dựa trên cơ sở khoa học đối với động lực nước ngầm và các tác động lên hệ sinh thái và sinh kế; thí điểm các giải pháp cải thiện quản lý nước ngầm xuyên biên giới, với kết quả dự kiến là trình diễn thí điểm về quản lý và sử dụng nước ngầm sáng tạo để cải thiện việc bổ cập nước ngầm, giảm khai thác nước ngầm, cân bằng hệ sinh thái/sinh kế; cơ chế hợp tác xuyên biên giới với các kết quả dự kiến là thiết kế hài hòa các mạng lưới và quy trình giám sát nước ngầm; xây dựng thỏa thuận về cơ chế và thủ tục trao đổi dữ liệu nước ngầm; thiết kế cơ quan điều phối và tham vấn xuyên biên giới thường trực; chiến lược và chương trình hành động chung với các kết quả dự kiến là các nước thành lập ủy ban liên bộ đặc biệt; xây dựng một tầm nhìn dài hạn; tăng cường thể chế, cải thiện sự tham gia, lồng ghép giới, giám sát và điều phối với kết quả dự kiến là xây dựng năng lực có cấu trúc trong quản lý nước ngầm cho những người ra quyết định và các bên liên quan.

Theo ông Ngô Mạnh Hà, để triển khai có hiệu quả các dự án trên, Cục đề nghị các bên làm rõ điểm tương đồng về phạm vi, nội dung thực hiện của 2 dự án nêu trên. Trong đó, cần có cơ chế điều phối cụ thể để tránh trùng lặp các kết quả của 2 dự án.

Đặc biệt, ông Ngô Mạnh Hà đề nghị, các dự án liên quan đến tài nguyên nước tại Việt Nam phải có sản phẩm rõ ràng và mạch lạc, phục vụ hiệu quả công tác quản lý tài nguyên nước, phù hợp với các quy định về pháp luật của Việt Nam. Đối với dự án “Tăng cường tính bền vững của tầng chứa nước xuyên biên giới Campuchia - đồng bằng sông Cửu Long”, yêu cầu các hợp phần còn lại phải liên kết chặt chẽ với hợp phần thực hiện tại Việt Nam.

Phương An (T/H)