Cần Thơ là thành phố trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long và là thành phố lớn thứ 4 của Việt Nam về diện tích, dân số và quy mô kinh tế. Bên cạnh những cơ hội và thách thức phát triển, Cần Thơ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu và thay đổi tài nguyên nước. Vì vậy, việc quản lý đô thị, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và điều kiện đặc thù của thành phố là vấn đề được các nhà quản lý và khoa học quan tâm.
Theo PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), xu hướng phát triển đô thị bền vững hướng tới đô thị tăng trưởng xanh - đô thị thông minh ở Cần Thơ đang nhận được sự quan tâm từ chính quyền địa phương. Hội thảo lần này là dịp để các cơ quan, ban ngành tập trung vào việc xây dựng các chính sách để phát triển thành phố trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thông qua các ý kiến chia sẻ và ghi nhận những kinh nghiệm trong việc phát triển đô thị bền vững của các thành phố khác ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Hội thảo Phát triển đô thị bền vững thích ứng biến đổi khí hậu
Các kinh nghiệm được nêu tại hội thảo sẽ được áp dụng trong việc quy hoạch đô thị, xác định xu hướng phát triển đô thị bền vững hướng tới tăng trưởng xanh. Nhiều chuyên gia đã tham gia góp ý, đề xuất quan điểm. Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ Võ Minh Cảnh cho biết, vấn đề ngập lụt đô thị hiện nay đa phần là do mưa lớn, triều cường, hệ thống cống thoát nước ở trung tâm đô thị cũ, chưa đồng bộ... Tuy đã triển khai nhiều dự án, trong đó có dự án nâng cấp đô thị, xây dựng hệ thống đê bao, cống ngăn triều nhưng các dự án này chưa đồng bộ. Mặt khác, cần có giải pháp điều tiết giao thông và cảnh báo cho người dân để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh ách tắc cục bộ.
Theo ông Võ Minh Cảnh, tình trạng ngập ở Cần Thơ thường xảy ra vào mùa nước nổi (tháng 9, 10 và 11, ngập vào con nước rằm và 30 âm lịch), thời gian ngập chỉ vài giờ. Vì vậy có thể sử dụng hệ thống thông minh cảnh báo các tuyến đường ngập, thời gian ngập; nghiên cứu điều chỉnh giờ học sinh đi học, cảnh báo giao thông để thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu nhiều nhất các tác động ngập lụt đô thị.
Ông Nguyễn Thanh Tại, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng (Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ) cho biết thêm, Cần Thơ đang đối mặt với tình trạng ngập lụt đô thị ngày càng nghiêm trọng. Do đó, việc thực hiện các đồ án quy hoạch và xây dựng phát triển đô thị phải tính tới yếu tố cốt nền, môi trường và thoát lũ tốt.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu cho rằng, ý kiến ứng dụng công nghệ thông tin để cảnh báo ngập lụt ở đô thị bằng cách dùng camera, bản đồ, máy bay không người lái để thông báo là chưa thiết thực bởi phương pháp này khá tốn kém và mang lại hiệu quả không cao khi áp dụng trên đặc điểm địa hình, dân cư nước ta. Ví dụ như ở Huế, dòng chảy biến đổi rất thất thường, luồn lách qua các khu phố khác nhau, lúc đó sẽ có hiện tượng nước dềnh, chỗ ngập sâu, chỗ ngập ít, nên nếu dùng các phương tiện kỹ thuật để cảnh báo người dân thì sẽ không chính xác.
Qua đây, ông Lê Anh Tuấn đề xuất giải pháp xây dựng mạng lưới cộng tác viên (tương tự hệ thống cảnh báo giao thông trên sóng phát thanh) để thông báo tại chỗ. Theo ông, mạng lưới cộng tác viên giúp cung cấp thông tin kịp thời, nhanh chóng và chính xác tình hình ngập úng, có thể dùng các phương tiện phổ biến như nhắn tin qua các ứng dụng, sóng radio.