Nông nghiệp sạch

Xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, nâng cao giá trị gia tăng trên thị trường quốc tế

Thứ ba, 22/7/2025 | 14:30 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, tiếp tục xây dựng các thương hiệu mới và bảo vệ các thương hiệu, giải thưởng đã được công nhận để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành lúa gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 371/TB-VPCP ngày 20/7/2025 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm và Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, ngày 13/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm và Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Sau khi nghe báo cáo của các Bộ: Nội vụ, Xây dựng, Tài chính, Quốc phòng, Nông nghiệp và Môi trường, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp và ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận như sau:

Với sự chủ động triển khai với nhiều mô hình tại các địa phương, sự vào cuộc của các hợp tác xã, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được kết quả ban đầu rất quan trọng; chúng ta rất tự hào vì đây Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao đầu tiên trên thế giới.

Việc triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng đồng bằng sông Cửu Long góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Việc triển khai Đề án góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước, có ý nghĩa quan trọng đối với các nước trong khu vực, nhất là các nước ASEAN và đối tác quốc tế... Vì vậy, chúng ta cần có cách làm khoa học, bài bản, chuyên nghiệp, có tính hệ thống, mang lại hiệu quả cao nhằm bảo đảm ổn định đầu ra, tránh tình trạng “được mùa, mất giá; được giá, mất mùa”. 

Bên cạnh đó, việc triển khai Đề án góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu (phát triển điện sinh khối từ nguồn trấu, rơm rạ...), phòng chống sạt lở, sụt lún, khô hạn, ngập úng ở khu vực đồng bằng sông Cứu Long, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án còn một số tồn tại như việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chưa cao; chưa làm tốt hoạt động liên kết vùng, liên kết quốc tế, đa dạng hóa chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng thương hiệu gạo quốc gia để tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa gạo của nước ta trên thị trường quốc tế, nhất là đối với một số thị trường có yêu cầu cao về chất lượng.

Về giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tham gia thực hiện Đề án và các cơ quan liên quan hoàn thiện việc rà soát, phê duyệt quy hoạch vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long thuộc Đề án, hoàn thành trong quý III năm 2025.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, tiếp tục xây dựng các thương hiệu mới và bảo vệ các thương hiệu, giải thưởng đã được công nhận để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành lúa gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

UBND các tỉnh, thành phố tham gia thực hiện Đề án chủ động xây dựng quy trình kỹ thuật để hướng dẫn người nông dân và các hợp tác xã triển khai thực hiện.

Bộ Công Thương triển khai ngay các hiệp định về lúa gạo, thực hiện ký những hiệp định dài hạn (từ 5 - 10 năm), bảo đảm đầu ra ổn định cho người nông dân.

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long xây dựng mẫu mã bao bì bền, đẹp, phù hợp với văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam và dễ nhận diện.

Các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai thực hiện Đề án, chủ động giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với những vướng mắc phát sinh (nếu có). Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm nguyên tắc liên kết 4 nhà: doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học - nhà nước; các doanh nghiệp phải cam kết và bảo đảm đầu ra, cung ứng vật tư nông nghiệp và những mặt hàng phục vụ cho sản xuất lúa (phân bón, thuốc trừ sâu và những vấn đề liên quan đến tăng năng suất lao động...).

Ngành ngân hàng có chính sách tín dụng ưu đãi cho phát triển ngành lúa gạo nói chung và cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với dự án “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long” dự kiến vay vốn của Ngân hàng Thế giới, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 14/7/2025.

Nhã Quyên