Xem xét lập quy hoạch khai thác nước ngầm cung cấp cho khu vực ĐBSCL

Thứ sáu, 29/10/2021 | 12:46 GMT+7
Từ những phản ánh về thực trạng thiếu nước ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã xem xét và triển khai lập quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước đảm bảo việc cấp nước cho người dân.

Cụ thể, công tác quản lý, khai thác tài nguyên nước, bảo vệ môi trường đã được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo triển khai và thực hiện tốt. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở bờ sông vẫn còn xảy ra, diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh đến tính mạng, tài sản của người dân, đồng thời tình hình ô nhiễm khói, bụi, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt cũng đang diễn ra.

Bộ TN&MT cho biết, để làm rõ nguyên nhân cụ thể, đề xuất được các giải pháp hiệu quả phòng ngừa sạt lở bờ sông, Bộ sẽ đề xuất, xây dựng các nhiệm vụ điều tra, đánh giá, xác định nguyên nhân, đánh giá rủi ro và đưa ra giải pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do xói lở bờ sông toàn khu vực ĐBSCL.

Phòng ngừa sạt lở bờ sông ở khu vực ĐBSCL

Bộ TN&MT thông tin thêm, trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2019 - 2020, Bộ đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các khu vực khan hiếm nước ĐBSCL theo Đề án của Chính phủ về điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, làm tiền đề cho việc đầu tư, xây dựng công trình khai thác nước cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất trong tình huống cấp bách hoặc giải pháp đầu tư công trình khai thác kết hợp nguồn nước mặt, nước dưới đất…

Theo kết quả điều tra, vùng ĐBSCL đã khoan được 52 cụm công trình kết cấu thành giếng khoan khai thác có công suất từ 500 - 1500m3/ngày đêm, mỗi cụm có thể sử dụng ngay vào để bơm nước chống hạn, trong đó đã bàn giao triển khai 14 cụm công trình cho hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau để khai thác chống hạn.

Để đảm bảo tính mạng và cuộc sống cho người dân, Bộ đang triển khai lập quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long, dự kiến trình Chính phủ trong năm 2022. Trong đó, có nội dung về phân bổ tài nguyên nước, ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt đồng thời tập trung điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước nằm sâu để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở những vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn; xây dựng các công trình khai thác nước ngầm để kết hợp dự phòng sẵn sàng ứng phó với xâm nhập mặn khi cần thiết.

Đồng thời, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tăng cường nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm các nguồn nước và chuyển giao tài liệu, số liệu, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương vùng ĐBSCL làm cơ sở để UBND các tỉnh chỉ đạo việc lập, phê duyệt, thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng trạm bơm, cấp nước ngọt cho người dân sử dụng trong sinh hoạt cũng như sản xuất.

Linh Giang (T/H)