Quy trình biến phân bò thành một bộ lọc nước biển thành nước ngọt

Thứ ba, 26/10/2021 | 06:25 GMT+7
Các nhà khoa học tại Đại học Northeastern (Mỹ) đã phát triển một quy trình biến phân bò thành một bộ lọc, giúp loại bỏ vi khuẩn và khử muối trong nước biển thành nước tinh khiết. Phát hiện này đã khiến các nhà khoa học nuôi hy vọng cải tiến này có thể giải quyết cuộc khủng hoảng nước trên toàn cầu.

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học đã đem đến hy vọng về một tương lai mới của nước ngọt

Cụ thể, bằng cách phá vỡ cấu trúc của phân bò ở nhiệt độ cực cao, các nhà khoa học đã phân hủy phân bò thành bột carbon, sau đó biến chúng thành những miếng xốp màu đen. Những miếng xốp này được đặt nổi trên mặt nước biển, khi ánh sáng Mặt Trời chiếu vào, nước bên dưới vật chất màu đen sẽ chuyển thành hơi nước, thấm qua miếng xốp lọc và tạo thành nước có thể uống được.

Theo UNICEF, có khoảng 1,42 tỷ người sống trong các khu vực khan hiếm nước và chỉ có 3% lượng nước trên Trái Đất có thể uống được. Với tình trạng này, nhiều nhà khoa học đang làm việc không mệt mỏi để nghiên cứu cách biến nước biển thành nước ngọt.

Hiện nay, giải pháp đang được sử dụng phổ biến là hệ thống lọc muối khỏi nước biển. Quy trình này được gọi là khử muối, nhưng các thiết bị được sử dụng trong quá trình này rất hay gặp sự cố. 

Ông Yi Zheng, Giáo sư tại Đại học Northeastern, cho biết: “Vật liệu sử dụng trong quy trình này rất đắt tiền và không bền vững. Hơn nữa, toàn bộ quá trình khử muối tiêu thụ rất nhiều điện”.

Dựa trên ý tưởng lọc nước, ông Zheng đã tìm kiếm một nguồn năng lượng bền vững hơn, đó là ánh sáng Mặt Trời. Tuy nhiên, quá trình này không cần đến các tấm pin Mặt Trời, mà chỉ là tận dụng ánh sáng Mặt Trời để kích hoạt quá trình lọc nước. 

Ông đã thu thập một lượng lớn phân bò từ các trang trại địa phương, phân hủy vật liệu này ở nhiệt độ lên đến 1.700 độ C nhằm tiêu diệt mọi vi khuẩn. Sau khi loại bỏ vi khuẩn, phân bò sẽ chuyển hóa thành bột carbon. Sau đó, các nhà khoa học sẽ chuyển chúng thành dạng mút xốp để lọc muối ra khỏi nước biển. 

Các nhà khoa học hy vọng công nghệ này sẽ được chuyển giao cho các cộng đồng địa phương nhằm xây dựng hệ thống khử muối của riêng họ. Điều này cũng góp phần quan trọng để tiến tới việc tiếp cận công bằng nước uống cho người dân trên toàn thế giới.

PV