Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, trong năm 2024, hợp tác lương thực thực phẩm, nông lâm nghiệp ASEAN đang được triển khai có hiệu quả và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào công tác an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, phát thải thấp khu vực và toàn cầu. Việt Nam đang tham gia tích cực và có trách nhiệm vào hợp tác lương thực, thực phẩm, nông lâm nghiệp ASEAN, góp phần vào kết quả chung đạt được.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/10/24/luong-thuc-ben-vung-20241024190701081.jpeg)
Phát triển hệ thống lương thực, nông nghiệp bền vững
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44 - 45 được tổ chức tại Lào vừa thông qua tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN về thúc đẩy nông nghiệp bền vững cũng như ghi nhận Kế hoạch hành động về nông nghiệp bền vững ở ASEAN.
Việc thông qua tuyên bố trên sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các quốc gia thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, đối tác và các tổ chức quốc tế để tiếp tục thực hiện chiến lược của ASEAN về trung hòa carbon. Đồng thời đóng góp vào an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, phát thải thấp trong khu vực ASEAN và tăng lợi ích cho người nông dân, bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Việt Nam hoàn toàn ủng hộ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” trong nông nghiệp vào năm 2050 và coi trọng chiến lược của ASEAN về trung hòa carbon. Việt Nam kêu gọi Văn phòng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng với các văn phòng quốc gia, đối tác và tổ chức quốc tế đi đầu trong việc thực hiện các chiến lược này. Việt Nam tiếp tục ủng hộ đề xuất của Malaysia về xây dựng tầm nhìn ASEAN về nông nghiệp đến năm 2045 - đây là nhiệm vụ kinh tế ưu tiên trong năm Malaysia là Chủ tịch ASEAN 2025.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng, hợp tác lương thực thực phẩm, nông lâm nghiệp ASEAN sẽ tạo động lực và cơ hội mới để hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, phát thải thấp, đảm bảo an ninh lương thực cho toàn khu vực ASEAN.
Tại hội nghị, các quốc gia ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc tăng cường hợp tác, đổi mới sáng tạo và khả năng phục hồi trong các lĩnh vực lương thực thực phẩm, nông lâm nghiệp.
Hội nghị xác định một số lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong những năm tới, khuyến nghị các nhóm công tác chuyên ngành liên quan của ASEAN tiếp tục nỗ lực thực hiện những sáng kiến quan trọng liên quan đến lương thực, thực phẩm, nông lâm nghiệp.
Những sáng kiến này bao gồm một số mục tiêu quan trọng như: thúc đẩy nông nghiệp bền vững thông qua kế hoạch hành động về nông nghiệp bền vững; giảm thiểu việc đốt phế phụ phẩm cây trồng thông qua việc thực hiện hướng dẫn ASEAN về giảm đốt phế phụ phẩm cây trồng; giảm việc sử dụng các loại hóa chất trong nông nghiệp độc hại và chấm dứt tình trạng đốt phế phụ phẩm cây trồng.
Quản lý bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn; phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; đảm bảo bền vững nguồn tài nguyên nước và đất cho sản xuất nông nghiệp; khuyến kích áp dụng nông nghiệp tái tạo, công nghệ số…
Tại hội nghị, các đại biểu còn thông qua việc xây dựng Kế hoạch hành động về an ninh lương thực ở khu vực ASEAN giai đoạn 2026 - 2030, nhấn mạnh vai trò của số hóa trong tăng cường an ninh lương thực; thông qua đề xuất của Malaysia về xây dựng Tầm nhìn ASEAN về nông nghiệp: Hướng tới năm 2045.