Kế hoạch có mục tiêu tăng cường chất lượng và hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chăn nuôi nhằm chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô trang trại, công nghiệp; sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, bảo vệ môi trường sinh thái hướng đến phát triển ngành chăn nuôi bền vững và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu cụ thể: ứng dụng khoa học kỹ thuật nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để sản xuất, cung ứng cho thị trường. Kiểm soát nguồn giống, hạn chế dịch bệnh, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi và phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi của thành phố.
Về dinh dưỡng thức ăn chăn nuôi, phấn đấu đẩy mạnh ứng dụng kết quả chuyển giao công nghệ sản xuất các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm, thức ăn bổ sung, phụ gia; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp phấn đấu đáp ứng khoảng trên 70% nhu cầu thức ăn chăn nuôi của địa phương đến năm 2030; tuyên truyền đẩy mạnh việc khai thác hiệu quả nguồn phụ phẩm công, nông nghiệp, thủy sản, chế phẩm sinh học, thảo dược, hợp chất thiên nhiên an toàn và thân thiện môi trường.
Ảnh minh họa
Theo đó, UBND thành phố Cần Thơ sẽ thực hiện áp dụng khoa học công nghệ trong chọn tạo giống vật nuôi chủ lực. Trong đó cải tiến và nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi chủ lực theo hướng lai các giống mới nhằm tạo ra đàn vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện chăn nuôi, khí hậu tự nhiên của địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, ứng dụng di truyền phần tử để chọn lọc, lai tạo, sản xuất giống, đặc biệt là giống ông bà, bố mẹ đảm bảo theo tiêu chuẩn; chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao; phối hợp nghiên cứu, thu thập, bảo tồn, lưu giữ, đánh giá, sử dụng hiệu quả nguồn gene đàn vật nuôi bản địa; tăng cường năng lực quản lý, nuôi giữ đàn vật nuôi giống gốc.
Ứng dụng kết quả chuyển giao công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi và khuyến khích sử dụng thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung, phụ gia, phụ phẩm nông nghiệp và thủy sản, chế phẩm sinh học, thảo dược, hợp chất thiên nhiên an toàn, thân thiện với môi trường. Bao gồm: ứng dụng kết quả chuyển giao công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thay thế kháng sinh trong chăn nuôi; các nguồn đạm thay thế cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ứng dụng kết quả chuyển giao công nghệ xây dựng khẩu phần ăn; chế biến phụ phẩm công, nông nghiệp và thủy sản làm thức ăn chăn nuôi, sản xuất thức ăn mới. Ứng dụng công nghệ tạo sản phẩm thức ăn chăn nuôi có giá trị dinh dưỡng cao, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ứng dụng công nghệ chuồng trại, quản lý chất thải chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh hướng tới chăn nuôi bền vững. Ứng dụng công nghệ chuồng trại, quản lý chất thải chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, tăng hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đảm bảo an toàn dịch bệnh góp phần phát triển chăn nuôi bền vững. Ứng dụng quy trình công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong xây dựng khí hậu chuồng nuôi nhằm nâng cao năng suất, tăng hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đảm bảo an toàn dịch bệnh hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học.
Ứng dụng kết quả chuyển giao công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa, mật ong và các sản phẩm giết mổ đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa và phục vụ xuất khẩu. Trong đó ứng dụng công nghệ mới trong chế biến, bảo quản, vận chuyển sản phẩm giá trị gia tăng có nguồn gốc từ động vật và sản phẩm phụ sau giết mổ nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa, phục vụ xuất khẩu. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất quản lý truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.