Đề xuất giải pháp giảm ngập nước trên địa bàn thành phố Thủ Đức

Thứ sáu, 31/5/2024 | 16:38 GMT+7
Ngày 31/5, lãnh đạo, chuyên gia các Bộ, ngành thành phố Hồ Chí Minh tham gia tọa đàm với chủ đề “Thực trạng và giải pháp giảm ngập nước trên địa bàn thành phố Thủ Đức”.

Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Mai Hữu Quyết cho biết, trong quá trình phát triển, thành phố còn gặp phải nhiều hạn chế, bất cập, trong đó có vấn đề về hạ tầng kỹ thuật và thoát nước đô thị. Do đó, thông qua tọa đàm, thành phố muốn lắng nghe ý kiến, hiến kế của các chuyên gia, các Sở, ngành để giải quyết tình trạng ngập của Thủ Đức. Điển hình như: quy hoạch thoát nước hiện nay; các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến cấp thoát nước; giảm ngập cho khu vực chợ Thủ Đức; công tác phối hợp giữa các Sở, ban ngành về giải quyết tình trạng ngập nước ở đô thị.

Ông Mai Hữu Quyết thông tin thêm, thời gian tới, thành phố Thủ Đức sẽ đầu tư cải tạo hàng loạt hệ thống cống kết nối đồng bộ để giải quyết ngập nặng ở một số tuyến đường. Trong năm nay sẽ khởi công và hoàn thành 7 công trình nâng cấp bờ bao chống ngập, 36 công trình thoát nước, mở rộng 60 tuyến hẻm.

Cần thực hiện các giải pháp để giảm tình trạng ngập nước trên địa bàn thành phố Thủ Đức

Theo ông Lưu Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Giao thông công chính thành phố Thủ Đức, trên địa bàn địa phương hiện tại còn 24 điểm ngập, 13 điểm theo dõi ngập. Trong đó, UBND thành phố Thủ Đức quản lý, giải quyết 13 điểm ngập và 12 điểm theo dõi ngập. Các Sở, ngành của thành phố Hồ Chí Minh đang quản lý, giải quyết 11 điểm ngập và 1 điểm theo dõi ngập.

Thành phố Thủ Đức hiện có 3 khu vực tập trung nhiều điểm ngập cần giải quyết ngay bao gồm: khu vực đường Thảo Điền, đường Quốc Hương, đường Trần Ngọc Diện (phường Thảo Điền); khu vực đường Lê Văn Việt, đường Lã Xuân Oai (phường Hiệp Phú – Tăng Nhơn Phú A); khu vực đường Dương Văn Cam, đường Đặng Thị Rành, đường Kha Vạn Cân (phường Linh Tây, Trường Thọ).

Về nguyên nhân gây ngập, Trưởng phòng Giao thông công chính thành phố Thủ Đức cho biết, một số tuyến đường, hẻm chưa được đầu tư hệ thống thoát nước, có cao độ mặt đường thấp hơn so với các tuyến đường, hẻm và khu vực xung quanh. Một số tuyến đường, hẻm đã được đầu tư hệ thống thoát nước lâu năm nhưng không đồng bộ, đường kính cống thoát nước nhỏ, xuống cấp, bị cát, đất bồi lắng chưa được nạo vét hoặc đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Bên cạnh đó, một số tuyến đường, hẻm có cao độ mặt đường thấp hơn so với mực nước triều cường tại sông, kênh, rạch và van cống ngăn triều tại cửa xả bị kẹt rác nên khi gặp tình huống triều cường kết hợp mưa to thì không kịp thoát nước, gây ngập các khu vực liên quan. Một số dự án đang triển khai thi công để giải quyết ngập nhưng tiến độ thi công chậm, chưa hoàn thành việc kết nối thoát nước với các tuyến sông, kênh, rạch tự nhiên nên hạn chế việc thu nước, thoát nước. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đã khiến mực nước triều cường tăng theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước, khiến mực nước tại các sông, kênh, rạch tăng cao, làm khả năng tiêu thoát nước tự nhiên bị hạn chế, dẫn đến ngập úng trên địa bàn.

Để giải quyết triệt để tình hình ngập, ông Lưu Trọng Nghĩa đề xuất thành phố Thủ Đức cần từng bước thực hiện xây dựng hệ thống thoát nước theo đúng quy hoạch được duyệt. Ngoài các dự án đã có chủ trương đầu tư cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, UBND thành phố kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh và các Sở, ngành sớm ghi vốn đầu tư đối với dự án Xây dựng hệ thống thoát nước quốc lộ 1A, lắp đặt cống thoát nước…

Đồng thời, sớm có chủ trương đầu tư công và ghi vốn đầu tư đối với các dự án: nâng cấp mặt đường và làm mới hệ thống thoát nước đường Kha Vạn Cân, lắp đặt cống thoát nước (tổng mức đầu tư dự kiến là 140 tỷ đồng); dự án Đầu tư xây dựng hệ thống thoát suối Linh Tây; nạo vét, xây dựng đoạn mương hở bê tông cốt thép từ đường số 20 ra Rạch Lùng. Tổng mức đầu tư các dự án này dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng.

Trước đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chống ngập và xử lý nước thải thành phố giai đoạn 2024 - 2025. Trong đó chú trọng giải phải rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; cải cách thủ tục hành chính đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành các công trình thoát nước.

Tăng cường liên kết, hợp tác khoa học công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước. Phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện giảm ngập đô thị.

Thanh Bảo (T/H)