Theo Đề án, sẽ ưu tiên triển khai các hạng mục, dự án thành phần: Xây dựng tòa nhà điều hành đô thị thông minh; cơ sở hạ tầng đô thị thông minh; trung tâm điều hành, giám sát, xử lý dữ liệu tập trung đa nhiệm; hệ thống camera giám sát đô thị thông minh; trung tâm giám sát an ninh không gian mạng; các hệ thống giáo dục, y tế, du lịch thông minh….
Riêng về xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh Yên Bái sẽ đầu tư 500 tỷ đồng phục vụ công tác ứng dụng công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ xây dựng một tòa nhà đô thị thông minh 3 tầng, diện tích trên 1.000m2 trong khuôn viên của UBND tỉnh Yên Bái. Bên cạnh đó còn xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm tích hợp cơ sở dữ liệu của tỉnh, phát triển hệ thống mạng số liệu chuyên dùng trên địa bàn toàn tỉnh. Triển khai các thành phần theo cung chính quyền điện tử tỉnh, xây dựng một hệ thống camera giám sát đô thị thông minh. Cùng với đó xây dựng trung tâm giám sát an ninh không gian mạng.
Đến năm 2025, các kết quả của dự án tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng, triển khai đồng bộ các lĩnh vực trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái.
Yên Bái dự kiến năm 2025 sẽ nhân rộng mô hình đô thị thông minh trên toàn tỉnh. (Ảnh minh họa)
Theo Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2025 do HĐND tỉnh ban hành, Yên Bái sẽ tập trung vào các giải pháp chủ yếu như: đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên tuyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp về lợi ích trong việc tham gia phát triển và sử dụng các dịch vụ của mô hình đô thị thông minh; Tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp sử dụng các tiện ích và dịch vụ của mô hình đô thị thông minh.
Rà soát các quy định, quy chế có liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng mô hình đô thị thông minh, chính quyền điện tử, hệ thống thông tin; xây dựng, ban hành các quy định, quy chế theo thẩm quyền, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tạo thuận lợi cho việc triển khai mô hình đô thị thông minh gắn với xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời triển khai các giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại có khả năng ứng dụng hiệu quả trong dài hạn, sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ điện toán đám mây nhằm khai thác có hiệu quả các ứng dụng phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp cũng như phục vụ nhu cầu người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp giải pháp phù hợp để tham gia xây dựng mô hình đô thị thông minh.
Rà soát, lựa chọn đội ngũ cán bộ chuyên ngành công nghệ thông tin để bố trí quản lý, vận hành Trung tâm tích hợp dữ liệu và Trung tâm điều hành, giám sát, xử lý dữ liệu tập trung đa nhiệm của tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chuyên trách để tiếp nhận, quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng và ứng dụng, dịch vụ của mô hình đô thị thông minh.