Văn hóa, du lịch

5 cây cầu lâu đời ai cũng muốn 1 lần ghé thăm

Thứ tư, 3/6/2020 | 16:38 GMT+7
Không chỉ nổi tiếng bởi kết cấu lạ mắt, ấn tượng và hài hòa với thiên nhiên mà những cây cầu độc đáo dưới đây còn có lịch sử lâu đời, mang vẻ đẹp cổ kính, nên thơ như trong những miền cổ tích.

Cầu đá Rakotz Brücke, Đức

Câu cầu được xây dựng theo phong cách La Mã này sẽ khiến bạn cảm giác như lạc vào một miền cổ tích trong lành và thơ mộng. Cây cầu đá Rakotz Brücke nối hai khu rừng, ở giữa là một hồ nước trong xanh thuộc công viên Kromlauer (vùng Gorlitz Gablenzgasse).

Hình ảnh phản chiếu của cây cầu xuống hồ nước trong vắt tạo thành một vòng tròn viên mãn và đẹp mắt, một bức tranh thủy mặc thật đẹp. Xây dựng từ thời trung cổ (khoảng năm 1.000 - 1.600 sau Công Nguyên), cây cầu này còn có tên gọi khác là cầu Quỷ.

Cầu rễ cây Meghalaya Cherrapun, Ấn Độ

Thay vì gạch, gỗ, thép để xây cầu, người dân bản địa Meghalaya – thuộc khu rừng nhiệt đới tại Ấn Độ, được biết đến như là một trong những nơi ẩm ướt nhất trên thế giới - đã xây dựng những cây cầu từ gốc và rễ cây.

Rễ cây cao su được luồn vào trong các ống rỗng làm từ thân cây cau, mọc dài ra giữa sông. Các rễ cây được chăm chút cẩn thận trong nhiều năm, cho tới khi chúng mọc sang được tới bờ bên kia và tạo thành bộ khung, rồi dần dần thành cây cầu đủ chắc chắn cho con người đi qua. Có thể phải mất từ 15 đến 20 năm mới tạo dựng được một cây cầu chắc, khỏe làm từ rễ cây nối liền hai bờ sông. Khác với cách xây dựng truyền thống, cầu rễ cây ở Meghalaya sẽ ngày càng trở nên vững chắc hơn mà không bao giờ cần phải bảo dưỡng hay xây lại. Những cây cầu khỏe nhất đã có trên 100 năm tuổi.

Một trong những cây cầu thu hút du khách trên thế giới chính là cây cầu hai tầng Umshiang hơn 180 năm tuổi. Cầu này nằm ngay bên ngoài Nongriat, một ngôi làng nhỏ chỉ có thể tới được bằng cách đi bộ, cách thị trấn Cherrapunji 10km về phía Nam. Tận dụng lợi thế độc đáo, dân làng đang làm thêm tầng thứ ba cho cây cầu với hy vọng sẽ hấp dẫn thêm nhiều du khách.

Cầu gỗ tếch dài nhất thế giới U Bein, Myanmar

Cầu U Bein bắc qua sông Taungthaman ở Mandalay được coi là cây cầu bằng gỗ tếch dài và lâu đời nhất thế giới, nơi đây cũng được bình chọn là một trong những địa điểm lý tưởng nhất để ngắm hoàng hôn.

Từ giữa năm 1800, cầu được xây dựng bằng gỗ tếch tận dụng từ các cung điện hoàng gia cổ xưa, tổng chiều dài 1,2 km, gồm hơn 1.000 cột trụ và hàng nghìn tấm ván.

Trên cầu có những băng ghế bằng gỗ dài để bất cứ ai cũng có thể ngồi nghỉ, ngắm cảnh và chuyện trò. Hai bên cầu là làng mạc, chùa chiền nên từ nơi đây bạn có thể cảm nhận được cuộc sống yên bình, thường nhật của người dân Myanmar.

Cầu đá 200 triệu năm tuổi hình thành từ thời khủng long, Mỹ

Nằm ẩn mình trong khu rừng hẻo lánh thuộc khuôn viên của rừng quốc gia Bankhead ở bang Alabama, Mỹ, cây cầu đá này dài khoảng 45 m, cao 18 m, hình thành trong kỷ Tam Điệp (Triassic).

Biển làm xói mòn đá sa thạch đã tạo nên cấu trúc hình vòm gồm đá và quặng sắt như ngày nay. Tuy nhiên, do sự bào mòn của thời gian nên hiện du khách không thể đi trên cầu mà chỉ có thể chiêm ngưỡng cây cầu từ phía dưới.

Cầu nước Pontcysyllte, Anh

Bắt đầu xây dựng năm 1795 và hoàn thành năm 1805, cầu nước Pontcysyllte đến hiện tại vẫn giữ kỷ lục là cây cầu nước dài và cao nhất ở Anh. Mục đích ban đầu của cây cầu là phát triển ngành công nghiệp khai thác tại Denbighshire.

Cầu Pontcysyllte cấu tạo gồm một máng chứa nước làm bằng thép dài khoảng 307 m, rộng 3,4 m và sâu 1,6 m, nằm trên 18 trụ đỡ được xây bằng đá cao 38 m.

Đường kéo tàu thuyền được gắn trên mặt nước, cùng các cạnh bên được gắn bằng những trụ đúc bằng gang. Ngoài ra, trên cầu còn có hành lang dành cho người đi bộ. Việc xây dựng kết hợp những vật liệu như thép và đá làm cho chiếc cầu trở nên nhẹ nhàng, giúp những chiếc thuyền nhỏ và hành khách có thể di chuyển dễ dàng qua nó.

Hiện hệ thống thủy lộ này chỉ dành phục vụ hành khách tham quan. Nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch ấn tượng được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới của nhân loại vào năm 2009.
 

Thanh Bảo (t/h)