Bản tin môi trường số 38/2022

Thứ hai, 3/10/2022 | 09:25 GMT+7
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà thảo luận về quản lý tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững với Quốc Vụ khanh tại Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang Đức Jochen Flasbarth.

Đức sẽ hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Chính phủ Đức luôn là một trong những đối tác có hoạt động hợp tác thường xuyên và sôi động nhất của Bộ TN&MT trong các lĩnh vực như: bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Đặc biệt, Bộ đánh giá cao các hoạt động hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ của Chính phủ Đức đối với Việt Nam nói chung và Bộ TN&MT nói riêng trong việc tham gia và triển khai các kết quả của Hội nghị thượng đỉnh COP26.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp xã giao Quốc Vụ khanh tại Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang Đức và đoàn đại biểu Đức

Nhân dịp này, Bộ trưởng mong muốn và đề xuất Chính phủ Đức hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam, trong đó có đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Cùng với đó, hỗ trợ Việt Nam triển khai chuyển đổi năng lượng công bằng phù hợp với điều kiện của Việt Nam và dựa trên thế mạnh của Đức về khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ năng lượng tái tạo; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận và tiếp nhận chuyển giao công nghệ; phát triển nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; đầu tư phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng cũng đề nghị, phía Đức quan tâm thúc đẩy hợp tác về môi trường song phương, nhất là về bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái; học hỏi kinh nghiệm của Đức trong phát triển kinh tế tuần hoàn, quản lý và xử lý chất thải theo mô hình tuần hoàn.

Phát biểu trong buổi làm việc, Quốc Vụ khanh Jochen Flasbarth cho biết sẽ chuyển đề xuất của Bộ trưởng Trần Hồng Hà tới Chính phủ Đức để đẩy mạnh hợp tác, tăng cường sự phối hợp giữa hai bên trong các lĩnh vực TN&MT thời gian tới.

Tích cực hợp tác với Đan Mạch về thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã vừa tiếp xã giao Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz. Tại buổi tiếp, Bộ trưởng cho biết, những năm qua, Đan Mạch đã hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có tài nguyên và môi trường. Đan Mạch chính là một trong những quốc gia đầu tiên hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của hai nước trong thời gian tới và là lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Đan Mạch tại Việt Nam về lĩnh vực tài nguyên môi trường và năng lượng

Đặc biệt, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 đề cập đến vấn đề chuyển đổi dần sang các nguồn năng lượng sạch hơn, nâng công suất của các nhà máy năng lượng sạch, trong đó có điện gió ngoài khơi. Trong khi, Đan Mạch là quốc gia có nhiều kinh nghiệm về chuyển đổi năng lượng, nhất là phát triển năng lượng tái tạo. Vì vậy, Bộ TN&MT Việt Nam rất cần các chuyên gia đến từ Đan Mạch chia sẻ kinh nghiệm quản lý phát triển điện gió ngoài khơi của Đan Mạch và thế giới.

Sau khi lắng nghe những chia sẻ, đề xuất của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Đan Mạch tại Việt Nam đánh giá cao quan hệ hợp tác có hiệu quả và thiết thực trong lĩnh vực TN&MT giữa Việt Nam và Đan Mạch. Đồng thời, khẳng định Đan Mạch luôn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đại sứ Nicolai Prytz cho biết, tháng 11/2022 Thái tử kế vị Đan Mạch sẽ có chuyến thăm Việt Nam nhân kỷ niệm 51 năm thiết lập quan hệ ngoại giữa giữa hai nước Việt Nam - Đan Mạch (25/11/1971 – 25/11/2021). Nhân sự kiện quan trọng này, Bộ TN&MT có thể xem xét, sắp xếp để tổ chức cuộc họp thảo luận song phương với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Môi trường Đan Mạch để thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu và sử dụng năng lượng bền vững trong thời gian tới.

Ninh Bình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành văn bản 432/UBND-VP3 tổ chức triển khai thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn.

Kiểm tra, giám sát các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp

Theo văn bản, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu Sở TN&MT tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện việc kiểm tra, giám sát các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn, nhất là các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại.

Tăng cường kiểm tra, quản lý các nguồn thải theo phân công, phân cấp, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao có phát sinh chất thải công nghiệp; rà soát, quản lý, giám sát các khu vực có nguy cơ xảy ra các hành vi chôn, lấp, đổ thải chất thải công nghiệp bất hợp pháp (các khu hẻo lánh, xa khu dân cư, khu vực giáp ranh…).

Chủ động xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý đối với trường hợp vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định.

Huyền Dung