Long An tăng cường công tác ứng phó thiên tai

Thứ năm, 29/9/2022 | 16:55 GMT+7
Mới đây, UBND tỉnh Long An đã ban hành chỉ thị tăng cường công tác chỉ đạo điều hành ứng phó các tình huống thiên tai, sự cố phức tạp, góp phần đảm bảo ổn định an ninh chính trị, phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo chỉ thị, những năm qua, thiên tai diễn biến bất thường, phức tạp, cực đoan, gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhà nước và nhân dân. Do đó, UBND tỉnh Long An yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp, đảm bảo năng lực hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai ngay tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, sự cố cho người dân, đa dạng phương thức truyền thông phù hợp với từng đối tượng; có kế hoạch chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhất là ở các vùng thường xuyên bị thiên tai, trong đó đặc biệt chú trọng vùng bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt.

Nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, sự cố cho người dân

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp, khắc phục sự cố công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn trong mùa mưa, bão, lũ; thường xuyên tổ chức, kiểm tra và xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm về khai thác, tập kết cát sỏi trái phép, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất ven sông và lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều gây cản trở thoát lũ, đe dọa an toàn công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị nêu rõ, riêng đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, cần chủ động nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trong phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tránh tình trạng chủ quan, lơ là trong chỉ đạo điều hành gây thiệt hại nghiêm trọng khi thiên tai xảy ra; tổ chức hiệu quả các giải pháp phòng tránh, ứng phó nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai; rà soát, xác định những khu vực nguy hiểm, có khả năng ảnh hưởng thiệt hại khi xảy ra thiên tai để chủ động di dời, sơ tán các hộ dân sống quanh khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Đặc biệt, các huyện vùng Đồng Tháp Mười tăng cường kiểm tra, chủ động gia cố hệ thống ô bao, bờ bao lửng để bảo vệ an toàn diện tích sản xuất, đề phòng lũ lớn có thể xảy ra đột biến. Các huyện vùng hạ thống kê, quản lý chặt chẽ số lượng tàu, thuyền và người dân địa phương có hoạt động đánh bắt thủy hải sản xa bờ; tổ chức kiểm tra công tác đăng ký, đăng kiểm của tàu cá, tàu vận tải, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị cứu sinh, thông tin liên lạc trước khi ra khơi…

Có kế hoạch chủ động hỗ trợ người dân gia cố nhà cửa; dự phòng lương thực, chất đốt, nước sạch, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác… đảm bảo công tác cứu trợ trước, trong và sau thiên tai xảy ra; tổ chức rà soát chặt, tỉa, dọn dẹp vệ sinh cây xanh ven đường và tại các công viên thuộc địa bàn quản lý; tháo dỡ các tấm pa nô, áp phích, biển quảng cáo không đảm bảo an toàn.

Kim Bảo