Australia tập huấn chuyển giao công nghệ giám sát rạn san hô cho Việt Nam

Thứ ba, 2/4/2024 | 15:14 GMT+7
Tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Viện Hải dương học vừa phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức tập huấn chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực giám sát rạn san hô tại Việt Nam.

Theo thông tin tại buổi tập huấn, thời gian qua, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã có nhiều hoạt động phối hợp với Việt Nam trong lĩnh vực hàng hải và khoa học biển, trong đó có chương trình hợp tác giám sát rạn san hô giữa Viện Khoa học biển Australia và Viện Hải dương học.

Tiếp nối quá trình đó, lần này, Australia hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa sử dụng công nghệ ReefScan (một công cụ khám phá blockchain) đẳng cấp thế giới để giám sát, bảo vệ các rạn san hô trước tác động của biến đổi khí hậu. Đây là chương trình được Thủ tướng Australia Anthony Albanese công bố vào tháng 3/2024 và cũng được phản ánh trong Tuyên bố chung quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện của hai nước.

Australia tập huấn chuyển giao công nghệ giám sát rạn san hô cho Việt Nam

Trong năm 2024, Australia sẽ có 3 hoạt động đào tạo chuyển giao công nghệ Reef Scan cho Việt Nam. Điểm đầu tiên tại Viện Hải dương học, thành phố Nha Trang; hai điểm tiếp theo tại khu bảo tồn biển Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) vào tháng 7 - 8.

Dự kiến khi kết thúc chương trình tập huấn, chuyển giao công nghệ sau các chương trình đào tạo, sẽ có khoảng 20 nhà khoa học/người quản lý khu bảo tồn biển được đào tạo về cách sử dụng công nghệ ReefScan để giám sát hình ảnh, thiết kế lấy mẫu và nhận dạng san hô, từ đó cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định và hỗ trợ bảo tồn rạn san hô.

Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, từ năm 2021, các số liệu điều tra, khảo sát của các nhà khoa học đều thể hiện sự suy giảm của rạn san hô tại khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Nguyên nhân khách quan là từ biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, sự gia tăng của loài địch hại, ảnh hưởng của hai cơn bão số 12 năm 2017 và số 7 năm 2021. Nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý còn nhiều bất cập như: ô nhiễm môi trường, tình trạng khai thác và nuôi trồng thủy sản trong và xung quanh khu bảo tồn biển, lặn ngắm san hô trong khu bảo vệ nghiêm ngặt.

Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý khu bảo tồn biển, nguồn lợi thủy sản, trong đó có việc ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến, khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

Thông qua chương trình tập huấn lần này, ông Trần Hòa Nam mong muốn các nhà khoa học, cơ quan quản lý tại Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ ứng dụng được các công nghệ hiện đại của Australia vào công tác giám sát các rạn san hô tại Khánh Hòa và Việt Nam.

Theo ban tổ chức, thời gian tới, Viện Khoa học biển Australia nghiên cứu khả năng tổ chức hội thảo trao đổi vào cuối dự án để các nhà khoa học của các nước đối tác Sáng kiến tài nguyên biển xem xét lại việc thực hiện và chia sẻ kinh nghiệm.

Trước đó, Viện Khoa học biển Australia và Viện Hải dương học đã thiết lập biên bản ghi nhớ hợp tác từ tháng 1/2023 nhằm hỗ trợ các chương trình, hoạt động nghiên cứu và giáo dục trong lĩnh vực giám sát rạn san hô.

Thanh Bảo (T/H)