Đồng Nai quy định điều kiện tách thửa đất
Từ ngày 1/10/2022, Quyết định 35/2022/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 quy định tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, điều kiện chung tách thửa đất: thửa đất đã được cấp một trong các loại giấy tờ: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở; thửa đất không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án và trong thời hạn sử dụng đất. Diện tích thửa đất tách thửa, hợp thửa thuộc trường hợp chưa có thông báo thu hồi đất hoặc chưa có quyết định thu hồi đất.
UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định về tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh
Đồng thời, việc tách thửa đất phải gắn với thực hiện các quyền của người sử dụng đất như: chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng một phần thửa đất; tách thửa để chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật đất đai.
Nhóm người nhận chuyển quyền sử dụng đất (đồng sử dụng) thì quyền sử dụng đất phải đảm bảo phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm theo diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất.
Điều kiện cụ thể tách thửa đất: đối với đất ở phải đảm bảo một số điều kiện. Thứ nhất, thửa đất sau tách thửa phải có một cạnh tiếp giáp với đường giao thông công cộng, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định 35/2022, chiều rộng cạnh thửa đất tiếp giáp đường giao thông cụ thể như sau: cạnh thửa đất phải lớn hơn hoặc bằng 5m đối với đường giao thông công cộng có lộ giới bằng hoặc lớn hơn 19m; cạnh thửa đất phải lớn hơn hoặc bằng 4m đối với đường giao thông công cộng có lộ giới nhỏ hơn 19m hoặc chưa có quy định lộ giới giao thông. Diện tích tối thiểu của thửa đất sau tách thửa đối với đất ở tại đô thị (kể cả xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa) là 60m2. Diện tích tối thiểu của thửa đất sau tách thửa đối với đất ở tại nông thôn là 80m2. Trường hợp thửa đất thuộc khu vực đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng thì việc tách thửa phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng.
Thứ hai, đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phải đảm bảo các điều kiện: thửa đất sau tách thửa phải đảm bảo quy định giống như đất ở nêu trên và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng. Trường hợp thửa đất được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì việc tách thửa phải được sự chấp thuận của cơ quan chấp thuận đầu tư.
Thứ ba, đối với đất nông nghiệp phải đảm bảo các điều kiện: diện tích tối thiểu của thửa đất sau tách thửa đối với đất nông nghiệp tại đô thị (kể cả xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa) là 500m2. Diện tích tối thiểu của thửa đất sau tách thửa đối với đất nông nghiệp tại nông thôn là 2.000m2. Thửa đất nông nghiệp sau tách thửa phải phải tiếp giáp với đường giao thông công cộng hoặc đảm bảo dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 3 Điều 254 Bộ Luật Dân sự 2015 và phải thực hiện đăng ký xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định tại Điều 95, Điều 171 Luật Đất đai 2013, lối đi này không phải là đường giao thông công cộng.
Đề xuất mới về giao dịch nhà, đất
Tổng cục Thuế vừa tham mưu cho Bộ Tài chính về đề xuất giao dịch bất động sản phải qua ngân hàng, trong đó yêu cầu các đơn vị giao dịch trên 20 triệu đồng phải thanh toán qua ngân hàng mới được khấu trừ thuế.
Theo đó, các bước giao dịch mua bán nhà, đất qua ngân hàng cần: thứ nhất, phải thanh toán tiền đặt cọc mua nhà, tức là bên mua và bên bán sẽ đặt cọc tại phòng công chứng hoặc UBND phường, xã đóng dấu để được xác nhận giao dịch. Nếu hai bên thanh toán tiền cọc bằng biên nhận cọc viết tay thì cần nhờ đến người thứ ba ký làm chứng. Tiền cọc nhà theo thông lệ nên ở mức 10% tổng giá trị căn nhà là hợp lý, hạn chế việc phải cọc nhiều hơn 10%. Mặc dù trong thực tế, có nhiều trường hợp cọc số tiền lớn hơn, vì người mua xác định đây là cơ hội lớn vì mua được giá hời.
Thứ hai, thanh toán tiền mua nhà khi ký hợp đồng công chứng. Đặc biệt, không thanh toán quá 95% tổng giá trị nhà (bao gồm tiền đặt cọc nhà 10%). Lý do là sau khi ký hợp đồng công chứng, hai bên sẽ làm thủ tục đăng bộ hoặc khai thuế. Khi khai thuế, hai bên phải đóng thu nhập cá nhân, thường là 2% tổng giá trị nhà đất. Bên mua phải đóng lệ phí trước bạ 0,5% tổng giá trị nhà đất (tính theo khung giá nhà nước quy định). Tránh trường hợp bên bán phủi tay không thực hiện nghĩa vụ thuế và không hỗ trợ bên mua trong các giai đoạn sau.
Thứ ba, thanh toán sau khi khai thuế và đăng bộ hồ sơ nhà đất. Sau khi hoàn tất các nghĩa vụ vê thuế, hai bên đến UBND quận, huyện để tiến hành đăng bộ hồ sơ nhà đất. Sau khi kiểm tra giấy tờ đầy đủ, bộ phận tiếp nhận hồ sơ sẽ ghi phiếu hẹn nhận sổ, thường là sau 45 ngày làm việc. Sau khi nhận phiếu hẹn, có thể thanh toán phần còn lại cho bên mua, xem như giao dịch hoàn tất.
Hà Nội sắp chọn chủ đầu tư cải tạo 2 khu tập thể cũ tại quận Long Biên
Thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch phá dỡ và chọn chủ đầu tư cải tạo 2 khu tập thể cũ tại quận Long Biên do liên danh Công ty CP đầu tư và phát triển nhà Gia Bảo và Tổng công ty xây dựng Sông Hồng từng lập quy hoạch trước đó.
Khu tập thể Hóa chất và khu tập thể Rau quả nông sản (số 135 Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên)
Theo Kế hoạch tiếp tục triển khai công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 2) ban hành mới đây, UBND thành phố Hà Nội bổ sung 2 khu tập thể cũ là khu tập thể Hóa chất và khu tập thể Rau quả nông sản tại 135 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) vào danh mục nhà chung cư thuộc trường hợp pháp dỡ để cải tạo xây dựng lại.
Theo UBND thành phố Hà Nội, 2 khu tập thể nói trên đã được 100% các chủ sở hữu đồng ý thống nhất về chủ trương xây dựng mới tại Hội nghị nhà chung cư họp ngày 29/6/2020. Đáng chú ý, UBND thành phố Hà Nội lưu ý Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND quận Long Biên trong quá trình rà soát, đề xuất việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch 2 khu tập thể cũ nói trên lưu ý quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ cải tạo do liên danh Công ty CP đầu tư phát triển nhà Gia Bảo và Tổng công ty xây dựng Sông Hồng lập trước đây và đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận từ năm 2011.
Theo UBND thành phố Hà Nội, quy hoạch nói trên sẽ được dùng làm cơ sở để nhà đầu tư xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thuộc 2 khu tập thể nêu trên. Về tiến độ, trách nhiệm thực hiện, UBND quận Long Biên được giao chủ trì tổ chức khảo sát, xác định số liệu hiện trạng nhà chung cư, các công trình khác thuộc phạm vi cải tạo, xây dựng lại làm cơ sở để các nhà đầu tư lập đề xuấ phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí nhà ở tạm cư.
UBND thành phố Hà Nội cũng giao UBND quận Long Biên chủ trì tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án theo quy định và tổ chức Hội nghị nhà chung cư để lấy ý kiến của các chủ sở hữu nhà chung cư đối với phương án bồi thường, hỗ trợ tái dịnh cư, bố trí chỗ ở tạm thời theo quy định.
Việc xác định chủ đầu tư của dự án cải tạo 2 khu tập thể cũ nói trên sẽ được Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đâu tư đồng thời chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được lựa chọn làm chủ đầu tư theo quy định, báo cáo UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Theo kế hoạch, thời gian xác định chủ đầu tư dự án được đặt ra trong quý I/2023 và thời gian phá dỡ dự kiến trong quý III/2023.