Bản tin môi trường số 11/2023

Thứ hai, 20/3/2023 | 10:32 GMT+7
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch hành động giảm phát thải khí mêtan đến năm 2030, với 6 nhiệm vụ cụ thể và 16 nhiệm vụ ưu tiên.

Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mêtan đến năm 2030

Kế hoạch bảo đảm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu về giảm phát thải khí mêtan đến năm 2030, trong phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện nỗ lực quốc gia giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mêtan vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020.

Nỗ lực giảm phát thải khí mêtan đến năm 2030

Theo kế hoạch, 6 nhiệm vụ cụ thể đực nêu rõ bao gồm: xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí mêtan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực, nhận thức; tăng cường hợp tác song phương, đa phương và huy động nguồn lực; giám sát, đánh giá.

Bên cạnh nhiệm vụ cụ thể, 16 nhiệm vụ ưu tiên được triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 là: xây dựng kế hoạch chi tiết giảm phát thải khí mêtan đến năm 2030 trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải; xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật về giảm phát thải khí mêtan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải; xây dựng cơ chế, chính sách quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, bao gồm giảm phát thải khí mêtan.

Với các nhiệm vụ trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn áp dụng phương pháp kiểm kê khí mêtan trong lĩnh vực quản lý chất thải ở bậc cao nhất phù hợp điều kiện Việt Nam. Ngoài ra, công tác điều tra, khảo sát và xây dựng hệ số phát thải khí mêtan đặc trưng quốc gia cũng được thực hiện cho 2 lĩnh vực: quản lý chất thải rắn; xử lý và xả thải nước thải sinh hoạt.

Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BTNMT về ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh.

Theo thông tư, 5 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh được ban hành bao gồm: QCVN 03:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng đất; QCVN 05:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí; QCVN 08:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt; QCVN 09:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất; QCVN 10:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển.

Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 12/9/2023, các nhiệm vụ, dự án xử lý đất bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật hữu cơ khó phân hủy tồn lưu đã được phê duyệt trước thời điểm thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được áp dụng QCVN 54:2013/BTNMT ban hành kèm theo Thông tư số 43/2013/TT-BTNMT quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, trừ các nhiệm vụ, dự án được điều chỉnh để áp dụng QCVN 03:2023/BTNMT.

Đối với các nhiệm vụ, dự án đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ đã được phê duyệt trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành có nội dung đánh giá các thông số nitrate (NO3- tính theo N) và phosphate (PO43- tính theo P) thì tiếp tục được áp dụng ngưỡng giới hạn thông số nitrate, phosphate quy định tại QCVN 08-MT:2015/BTNMT ban hành kèm theo Thông tư số 65/2015/TT-BTNMT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, trừ các nhiệm vụ, dự án được điều chỉnh để áp dụng QCVN 08:2023/BTNMT.

Tăng cường hợp tác bảo tồn thiên nhiên với WWF

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã vừa gặp và làm việc với Tổng giám đốc Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) Kirsten Schuijt. Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác, gắn bó giữa Việt Nam và WWF trong việc thực hiện mục tiêu chung là bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trên trái đất.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Tổng giám đốc WWF Kirsten Schuijt

Theo Phó Thủ tướng, WWF có thể thử nghiệm những sáng kiến, ưu tiên mang tính toàn cầu về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học ngay tại Việt Nam, góp phần giải quyết các "bài toán" lớn trong ứng phó biến đổi khí hậu, chung sống an toàn với thiên tai… Từ đó, hiện thực hóa sáng kiến bảo tồn thiên nhiên để phát triển, phát triển để bảo tồn thiên nhiên.

Tổng giám đốc WWF Kirsten Schuijt đánh giá cao những chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn thiên nhiên trong nước và toàn cầu. Khẳng định Việt Nam có vai trò dẫn dắt trong nỗ lực của khu vực và toàn cầu về bảo tồn thiên nhiên vì vậy, WFF mong muốn tiếp tục có thêm nhiều cơ hội hợp tác với Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trên toàn thế giới. Cụ thể, sẽ cùng với Việt Nam và quốc gia khác triển khai các dự án thực hiện Nghị định thư Montreal; ưu tiên các giải pháp dựa vào thiên nhiên để quản lý nguồn nước, bảo vệ rừng, sản xuất, tiêu thụ lương thực; triển khai một số dự án mới về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Ngọc Mai