Bản tin môi trường số 21/2021

Thứ hai, 15/11/2021 | 10:42 GMT+7
Nhóm nhà nghiên cứu tại khoa Khoa học khí quyển trường Đại học Nam Kinh và Viện Đại dương học Scripps thuộc Đại học California (Mỹ) đã xây dựng một mô hình máy tính mô phỏng đường đi của rác thải nhựa. Ước tính, từ đầu đại dịch cho tới tháng 8/2021, 193 quốc gia trên thế giới đã xả ra 8,4 triệu tấn rác thải nhựa liên quan Covid-19.

8,4 triệu tấn rác thải nhựa liên quan Covid-19 từ đầu đại dịch

Theo nghiên cứu, đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu dùng đồ nhựa sử dụng một lần tăng vọt, gây thêm áp lực với vấn đề rác thải nhựa vốn đã ngoài tầm kiểm soát. Theo mô hình mô phỏng, gần 3/4 (71%) trong số 8,4 triệu tấn rác thải nhựa trên có thể sẽ dạt vào các bãi biển vào cuối năm nay.

8,4 triệu tấn rác thải nhựa liên quan đến đại dịch Covid-19 xả ra môi trường

Phần lớn rác thải nhựa liên quan Covid-19 là rác thải y tế bệnh viện, đa số là PPE và bao bì của các đơn hàng mua sắm, vận chuyển online từ xa.

Trong đó, PPE gồm khẩu trang, tấm chắn giọt bắn, găng tay dùng một lần, trang phục phẫu thuật. Ngoài ra, nhựa liên quan đến Covid-19 còn bao gồm các loại bao bì nhựa dùng để đựng các vật phẩm này, cũng như nhựa từ các bộ xét nghiệm.

Số liệu thống kê còn cho thấy châu Á là nơi có tỷ lệ ca mắc Covid-19 cao nhất (31,2%) và chiếm lượng rác thải liên quan đến đại dịch lớn nhất (46,3%). Trong đó nhiều quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ xử lý rác thải y tế ít hơn nhiều so với các nước phát triển ở Bắc Mỹ và châu Âu – nơi cũng có nhiều ca mắc Covid-19.

Các nhà nghiên cứu ước tính, trong vòng 3 - 4 năm tới, phần lớn rác thải nhựa trên đại dương sẽ dạt lên bãi biển hoặc chìm xuống đáy biển. Để xử lý số rác thải khổng lồ trên, các tác giả kêu gọi quản lý tốt hơn rác thải y tế tại các tâm dịch, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Đồng thời kêu gọi toàn cầu nâng cao nhận thức về ảnh hưởng môi trường của rác thải nhựa và phát triển các loại vật liệu thân thiện với môi trường.

Tăng khả năng chống chịu khí hậu cực đoan cho khu vực đô thị

Trước những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đã cùng hợp tác nhằm tăng khả năng chống chịu khí hậu cực đoan cho một số khu vực đô thị ở Việt Nam.

Theo đó, Văn phòng Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai (Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với Trung tâm Phòng, chống thiên tai châu Á (ADPC) tổ chức hội thảo tham vấn kỹ thuật đối với dự án “Tăng cường khả năng chống chịu khí hậu cực đoan cho khu vực đô thị (URCE) ở Đông Nam Á".

Hội thảo nhằm xây dựng các hoạt động chi tiết, hỗ trợ kỹ thuật cho công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai khu vực đô thị tại Việt Nam, đặc biệt ở 2 thành phố thí điểm là Nam Định và Mỹ Tho (Tiền Giang).

Tăng cường khả năng chống chịu khí hậu cực đoan cho khu vực đô thị Việt Nam

Theo ADPC, để tăng cường khả năng URCE, cần phải hiểu các rủi ro hiện tại và trong tương lai, xây dựng năng lực phòng ngừa, quản lý khẩn cấp, phát triển ngành cũng như cơ chế quản trị rủi ro và học hỏi để quản lý rủi ro bền vững cho tương lai.

Hiện tại, ADPC đang phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Phòng, chống thiên tai tổ chức tham vấn kỹ thuật với các Bộ, ngành, địa phương liên quan để xây dựng nhiệm vụ cụ thể và xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động nhằm đạt được 5 kết quả chính mà dự án đã đặt ra.

Bao gồm: cải tiến hệ thống cảnh báo sớm mối nguy hại về biến đổi khí hậu, kiến thức về rủi ro do các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt; tăng cường sự sẵn sàng của cộng đồng đô thị và địa phương; cải thiện khả năng sẵn sàng ứng phó khẩn cấp của các ngành đô thị; tăng cường hệ thống quản trị rủi ro đô thị để đối phó với các trường hợp khẩn cấp, cực đoan về khí hậu mới nổi; trao đổi, chia sẻ kiến thức về xây dựng đô thị có khả năng chống chịu với khí hậu khắc nghiệt thông qua các sự kiện và diễn đàn cấp khu vực và quốc gia.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trước biến đổi khí hậu

Mới đây, hội thảo “Phụ nữ Việt Nam tham gia hành động ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) và giảm thiểu rủi ro thiên tai (GTRRTT)” được tổ chức với các chủ đề ý nghĩa liên quan đến phụ nữ và hành động trước BĐKH.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, sự nhìn nhận vấn đề giới cũng như vai trò và đóng góp của phụ nữ trong các hoạt động phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH, GTRRTT vẫn còn tồn tại những định kiến. Sự tham gia của phụ nữ còn gặp nhiều rào cản về công nghệ kỹ thuật, năng lực, truyền thông và tài chính trong ứng phó với BĐKH.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại hội thảo

Bà Gaelle Demolis, quyền Trưởng đại diện của Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam nhận định, vai trò và tiềm năng của phụ nữ trong tham gia ứng phó với BĐKH và GTRRTT là rất lớn. Những sáng kiến để phát huy vai trò trung tâm của phụ nữ là vô cùng cần thiết. UN Women đã, đang và sẽ tích cực hỗ trợ các cơ quan chính phủ Việt Nam cũng như Hội LHPN Việt Nam nâng cao năng lực lồng ghép giới trong thích ứng BĐKH, tăng cường tiếp cận của phụ nữ tới sinh kế bền vững và sinh kế thay thế để có thể chống chịu với thiên tai, thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong việc ra quyết định về thích ứng, giảm thiểu BĐKH, quản lý rủi ro thiên tai ở tất cả các cấp và lĩnh vực.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ thông tin, thảo luận kỹ hơn về những rào cản, từ đó đưa ra khuyến nghị tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong công tác ứng phó với BĐKH, GTRRTT.

Lâm Bảo