Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động để bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học

Thứ năm, 8/12/2022 | 17:24 GMT+7
Tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã kêu gọi các Chính phủ và khu vực tư nhân hành động để bảo vệ môi trường tự nhiên một cách hiệu quả.

Cụ thể, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho biết, các hoạt động của con người đang gây thiệt hại cho các khu rừng, rừng rậm, đất nông nghiệp, đại dương, sông, biển và hồ. Dưới tác động đó, một triệu loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Trong khi đó, cuộc chiến của loài người với tự nhiên chính là cuộc chiến với chính mình, bởi con người sống và tồn tại dựa vào thiên nhiên. Do đó, các Chính phủ cần xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia đầy tham vọng nhằm bảo vệ và gìn giữ thiên nhiên. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần đặt vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học lên hàng đầu trong kế hoạch kinh doanh; đồng thời, cần đầu tư vào các phương pháp khai thác và sản xuất bền vững trong mọi mắt xích của chuỗi cung ứng.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres phát biểu tại COP15

Ông António Guterres nhận định, hành động khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học là hai mặt của cùng một vấn đề. Vì vậy, ông kêu gọi các khuôn khổ pháp lý cứng rắn và các biện pháp công khai, minh bạch nhằm chấm dứt tình trạng cung cấp thông tin sai lệch về bảo vệ môi trường để đánh bóng thương hiệu và buộc khu vực tư nhân phải chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, các nước đang phát triển cũng cần được hỗ trợ để tiếp cận trực tiếp hơn, đơn giản hơn và nhanh hơn với nguồn lực tài chính cần thiết. Cụ thể, các quốc gia phát triển cần hỗ trợ tài chính cho các quốc gia ở Nam bán cầu với tư cách là những người giám sát tài nguyên thiên nhiên của thế giới sau nhiều thế kỷ bị khai thác và mất mát.

Mặt khác, Tổng Thư ký António Guterres cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải sát cánh với người dân bản địa, cộng đồng địa phương và thanh niên - những người bảo vệ đa dạng sinh học hiệu quả nhất. Trước đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã gặp mặt một số người bảo vệ đa dạng sinh học và lắng nghe những lo ngại của họ về tình hình mất đa dạng sinh học, cũng như các vấn đề liên quan, đặc biệt là nhân quyền. Qua đây, ông đánh giá những chia sẻ của họ rất phù hợp với nguyên tắc lấy con người làm trung tâm của mọi việc, con người liên quan đến môi trường và là vấn đề trọng tâm tại Hội nghị COP15.

Các hệ sinh thái tự nhiên của hành tinh đã mất hàng thiên niên kỷ để phát triển. Nếu không hành động ngay bây giờ, việc đa dạng sinh học bước vào giai đoạn suy giảm cuối cùng dưới sự chứng kiến của chúng ta sẽ là điều không thể tránh khỏi. Là một xã hội toàn cầu, chúng ta có nghĩa vụ hành động ngay lúc này để bảo vệ một hành tinh.

Lam An