Phát biểu khai mạc hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, nhiều năm qua, Bộ Quốc phòng và Bộ TN&MT đã có mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực công tác và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao.
Qua thực hiện quy chế, hai bên đã góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược bảo vệ Tổ quốc, kế hoạch phòng thủ đất nước cũng như kế hoạch bảo đảm nhu cầu quỹ đất dự trữ cho quốc phòng, an ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kết hợp quốc phòng an ninh với kinh tế - xã hội. Các hoạt động khắc phục, xử lý chất độc hóa học/dioxin tiếp tục được hai Bộ phối hợp triển khai đồng loạt trên nhiều khu vực; hợp tác trong quản lý tài nguyên, môi trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa giữa hai bên tiếp tục được tăng cường với nhiều đề án, dự án lớn…
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương đề nghị, hội nghị chỉ ra những tồn tại hạn chế, nguyên nhân; xác định các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế số 8403 giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2027. Các báo cáo và ý kiến phát biểu của các cơ quan, đơn vị chức năng cần bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn, rõ ràng, chú ý đến việc đề xuất các giải pháp để tham mưu cho lãnh đạo hai Bộ chỉ đạo thực hiện tốt trong giai đoạn phối hợp sắp tới.
Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm giai đoạn 2017 – 2022 và phương hướng thực hiện quy chế phối hợp giai đoạn 2022 - 2027
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác thực hiện quy chế phối hợp của hai Bộ và nhất trí với nội dung cáo báo cáo sơ kết, phương hướng nhiệm vụ phối hợp trong giai đoạn 2022 - 2027 cũng như ý kiến phát biểu của đại diện đơn vị của hai bên. Đồng thời, nhấn mạnh một số nội dung ưu tiên đề nghị các đơn vị tập trung triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, dựa trên những tiềm lực của mỗi bên, hai Bộ phối hợp triển khai các nhiệm vụ về lập quy hoạch không gian biển quốc gia; điều tra, khảo sát, nghiên cứu biển; thiết lập các khu vực bảo vệ các hệ sinh thái trên biển Đông; phối hợp phát triển hệ thống quan trắc các yếu tố khí tượng, hải văn; triển khai quan trắc các yếu tố sóng, gió trên các trạm đảo, bảo vệ chủ quyền biển đảo; phối hợp bảo vệ các mốc biên giới…
Đồng thời đặt vấn đề để các đơn vị hai Bộ cùng nhau nghiên cứu, chia sẻ, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ phòng chống các sự cố ô nhiễm, bảo vệ môi trường; nghiên cứu các ra đa, dự báo phục vụ phòng chống thiên tai; nghiên cứu các nguồn lực tài nguyên biển để phát triển kinh tế biển…
Theo đó, hai bên đã cùng thóng nhất một số đề xuất, kiến nghị cụ thể trong thời gian tới bao gồm: tiếp tục phối hợp quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường; chú trọng làm tốt công tác khảo sát, lập, điều chỉnh, hoàn thiện, tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng giai đoạn 2022 - 2030, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về quốc phòng.
Tiếp tục phối hợp đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực TN&MT, quan trắc khí tượng, thủy văn, biến đổi khí hậu thông qua hợp tác giữa Tập đoàn Công nghiệp và Viễn thông quân đội Viettel với Tổng cục Khí tượng thủy văn, Tổng cục Môi trường, Cục Biến đổi khí hậu; cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu đất đai, viễn thám, đo đạc bản đồ, khí tượng, thủy văn, biến đổi khí hậu, khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Tiếp tục phối hợp trong việc huy động sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tổ chức ứng phó sự cố môi trường liên ngành, liên vùng, cứu hộ, cứu nạn, đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển, quan trắc môi trường xuyên biên giới, bảo vệ môi trường trên biển, đảo, xây dựng mô hình ở cấp quốc gia các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trên biển, đảo kết hợp với bảo vệ chủ quyền theo quy định của Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; chú trọng thực hiện 7 dự án điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, đảo theo Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức nghiên cứu phối hợp thiết kế, chế tạo, đóng mới các tàu nghiên cứu, khảo sát môi trường biển kết hợp với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trên các vùng biển, đảo của Việt Nam; tổ chức điều tra tổng thể về tiềm năng khai thác, sử dụng năng lượng điện gió, năng lượng sạch góp phần thực hiện tốt mục tiêu, cam kết của Việt Nam trong kiểm soát phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Tiếp tục phối hợp tổ chức khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh bảo đảm mục tiêu, yêu cầu tại Quyết định số 504/QĐ-TTg, Quyết định số 2215/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.