Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 12/2022

Thứ hai, 4/4/2022 | 08:18 GMT+7
Một báo cáo mới công bố mới đây cho thấy, điện gió và điện mặt trời, hai nguồn năng lượng tăng trưởng nhanh nhất đã đạt kỷ lục 10% năng lượng toàn cầu trong năm 2021. Có 50 quốc gia trên thế giới đã đạt được cột mốc này, trong đó, Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia lần đầu tiên đạt được cột mốc trên trong năm 2021.

Việt Nam thuộc Top quốc gia có sản lượng điện gió và điện mặt trời tăng kỷ lục

Báo cáo thường niên lần thứ ba của tổ chức tư vấn về khí hậu và năng lượng Ember có tên báo cáo Đánh giá điện năng toàn cầu đã phân tích dữ liệu điện năng của 209 quốc gia từ năm 2000 tới 2020, với các dữ liệu mới nhất của năm 2021 trên 95 quốc gia đại diện cho 93% nhu cầu điện năng toàn cầu.

Báo cáo tiết lộ rằng, có 50 quốc gia sản xuất được hơn 10% sản lượng điện năng từ điện gió và điện mặt trời trong năm 2021, trong đó có cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới. 7 quốc gia mới lần đầu tiên đạt được cột mốc này trong năm 2021 gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Việt Nam, Argentina, Hungary và El Salvador. Trên toàn cầu, tỷ trọng điện gió và điện mặt trời đã tăng gấp đôi kể từ khi Thỏa thuận Paris được ký kết vào năm 2015.

Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia lần đầu tiên đạt cột mốc sản xuất được hơn 10% sản lượng điện năng từ điện gió và điện mặt trời trong năm 2021

Việt Nam đã cho thấy một trong những quá trình chuyển dịch nhanh chóng nhất từ nhiên liệu hóa thạch sang điện gió và điện mặt trời trong năm 2021 và chạm tới cột mốc 10%, dù trước đó con số chỉ là 3% trong năm 2020. Sản lượng điện gió và điện mặt trời của Việt Nam tăng tới 11% trên tổng sản lượng, điều này cho thấy việc nhanh chóng phát triển năng lượng tái tạo là hoàn toàn khả thi. Không có quốc gia nào khác thành công trong việc tăng tỷ trọng điện gió và điện mặt trời thêm tới 8% chỉ trong năm 2021.

Việt Nam cũng trải qua giai đoạn phát triển đáng kinh ngạc trong lĩnh vực điện mặt trời khi sản lượng tăng 337% (+17 TWh) trong duy nhất một năm và trở thành 1 trong 10 quốc gia có sản lượng điện mặt trời lớn nhất thế giới trong năm 2021. Sự tăng trưởng trong lĩnh vực điện mặt trời này đồng nghĩa rằng, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á đáp ứng được nhu cầu điện tăng thêm bằng điện gió và điện mặt trời.

Khởi công xây dựng Nhà máy điện rác Seraphin

Mới đây, Lễ khởi công xây dựng Nhà máy điện rác Seraphin diễn ra tại Hà Nội. Nhà máy có công suất xử lý 1.500 - 2.000 tấn rác/ngày đêm, công suất phát điện đạt 37MW.

Việc xây dựng Nhà máy điện rác Seraphin nhằm mục tiêu tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt cho thành phố Hà Nội từ 1.500 - 2000 tấn/ ngày đêm, giảm thể tích phải chôn lấp từ 100% xuống còn 3%, góp phần làm sạch môi trường sống của người dân địa phương, thành phố Hà Nội, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp và phát điện lưới quốc gia.

Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn AMACCAO. Nhà máy được giới thiệu sẽ sử dụng công nghệ hiện đại châu Âu để đốt rác tận thu nhiệt phát điện với chỉ tiêu khí thải, khói thải sau đốt đạt tiêu chuẩn khí thải EU 2010/75/EC, nghĩa là như khí trời tự nhiên; chỉ tiêu nước thải xử lý đạt cột A 2014/BTNMT được tuần hoàn và tận thu, không thải ra ngoài nhà máy; không phát tán bụi, tiếng ồn, mùi… ra môi trường bên ngoài. Công nghệ của nhà máy đã được áp dụng tại hơn 560 nhà máy đang vận hành thành công ở Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Srilanka, Bangladesh, Ấn Độ… là những khu vực có tính chất rác thải sinh hoạt tương đồng với chất thải rắn sinh hoạt của Việt Nam.

Các đại biểu nhấn nút khởi công Nhà máy điện rác Seraphin

AMACCAO đã nhận chuyển nhượng 100% cổ phần của Công ty CP Công nghệ môi trường xanh Seraphin từ các cựu cổ đông và Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long, sau đó đã đề xuất thành phố Hà Nội cho phép chuyển đổi công nghệ, cải tạo, đầu tư xây dựng Nhà máy điện rác Seraphin. Sau thời gian nỗ lực cùng sự giúp đỡ của đơn vị tư vấn nước ngoài, đặc biệt là nhận được sự tin tưởng, hỗ trợ của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, các Sở ban ngành và địa phương tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, được các Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và Cục Phòng cháy chữa cháy - Bộ Công An giúp đỡ, dự án đã được phê duyệt đầy đủ thủ tục pháp lý, đủ điều kiện động thổ và khởi công.

Tại lễ khởi công, chủ đầu tư cam kết sẽ thần tốc triển khai khởi công, thi công an toàn, chất lượng, đặc biệt đảm bảo tiến độ nhanh chóng đưa nhà máy đi vào hoạt động trong vòng 20 tháng tới, đảm bảo các tiêu chí về khí thải, nước thải, mùi, tiếng ồn… đạt tiêu chuẩn châu Âu và tiêu chuẩn Việt Nam. Các tiêu chuẩn này sẽ được gửi trực tuyến qua Sở Tài nguyên và Môi trường, thành phố phê duyệt, cùng bảng hiển thị công khai tại cổng nhà máy để cơ quan chính quyền và nhân dân địa phương cùng giám sát.

Ký hợp đồng 2 gói thầu dự án truyền tải phục vụ nhập khẩu điện từ Lào

Tại Hà Nội, Ban Quản lý dự án Điện 2 (EVNPMB 2) vừa tổ chức ký hợp đồng 2 gói thầu thi công xây lắp dự án truyền tải phục vụ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam.

Cả 2 dự án đều do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án Điện 2 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao thay mặt chủ đầu tư thực hiện công tác quản lý dự án.

Ban Quản lý dự án Điện 2 và liên danh nhà thầu ký kết hợp đồng 2 gói thầu

Cụ thể, dự án trạm cắt 220kV Bờ Y và các đường dây 220kV đấu nối từ cụm Nhà máy thủy điện Nam Kong 1, 2, 3 (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam, được đầu tư xây dựng tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Dự án dự kiến hoàn thành xây dựng và đóng điện vào quý IV/2022. Trong đó, trạm cắt 220kV Bờ Y gồm 10 ngăn 220kV, trong giai đoạn này lắp đặt 5 ngăn xuất tuyến và 1 ngăn máy cắt liên lạc.

Dự án trạm cắt 220kV Đăk Ooc và các đường dây 220kV đấu nối từ Nhà máy thủy điện Nam Emoun (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam, được đầu tư xây dựng tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Dự án dự kiến hoàn thành xây dựng và đóng điện vào quý I/2023. 

2 dự án trên được đầu tư xây dựng theo cam kết song phương về quan hệ hợp tác giữa Chính phủ hai nước CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào trong lĩnh vực phát triển năng lượng, phục vụ nhập khẩu điện từ cụm Nhà máy thủy điện Nam Kong 1, 2, 3 và Nam Emoun (Lào) về Việt Nam.

Ngân Hà